Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ngành hàng đã về đích

Thanh Mai| 04/01/2010 07:13

(HNM) - Năm 2009 đã khép lại, mặc dù ngạch xuất khẩu (XK) cả nước giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều ngành hàng XK đã về đích trong điều kiện khó khăn.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Tám tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thương mại nói riêng đã chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, gặp nhiều thách thức. Nhu cầu tiêu dùng cả ở thị trường trong nước và ngoài nước giảm khiến sản xuất và XK giảm theo. Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định sản xuất, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; vì vậy, 4 tháng cuối năm, các biện pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, được người dân cũng như doanh nghiệp (DN) đón nhận tích cực và là cơ hội tốt cho DN tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển.



Để đạt được mục tiêu XK năm 2009, Chính phủ chỉ đạo các ngành tập trung vào điều hành XK để tăng tốc về đích, với việc triển khai những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm sản; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK sang các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng suy thoái kinh tế; đẩy mạnh việc hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường, đồng thời tạo điều kiện, cơ sở hạ tầng vật chất cần thiết của hệ thống phân phối giúp các DN chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường...

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch XK cả nước năm 2009 đạt 56,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt 68,7 tỷ USD, giảm 14,9% so với năm 2008. Trong đó kim ngạch nhập siêu chiếm 21,1% kim ngạch XK (mục tiêu đề ra là nhập siêu phải có tỷ trọng dưới 20% so với tổng kim ngạch XK của cả nước) đã khiến Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy nhưng kim ngạch XK nhiều mặt hàng như phân bón, chất dẻo nguyên liệu; sợi các loại; sắt thép; máy vi tính và linh kiện điện tử; dược phẩm… đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tạo sức bật mới

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2009 ngành dệt may ước đạt tổng kim ngạch XK 9,1 tỷ USD. Trong năm 2010, ngành này đã đưa ra chỉ tiêu XK 10,5 tỷ USD, đồng thời đề ra kế hoạch để hỗ trợ DN trong ngành duy trì và tăng trưởng tốc độ sản xuất, kinh doanh và XK. Mỹ đang là thị trường lớn nhất của XK dệt may với tỷ trọng 50% kim ngạch XK. Năm 2009, hàng dệt may nước ta XK sang thị trường này tuy giảm nhẹ về kim ngạch (gần 5%), nhưng vẫn tăng về lượng (khoảng 18%) so với năm trước. Bên cạnh Mỹ, EU hiện là thị trường lớn thứ hai, chiếm khoảng 20% kim ngạch XK. Nhật Bản, đứng thứ ba, năm 2009 đạt mức tăng trưởng 15,1% so với năm 2008. Các thị trường khác dự kiến đạt kim ngạch XK hơn 1,6 tỷ USD.

Cũng theo Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, tổng kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 15 tỷ USD (kế hoạch là 14 tỷ USD). Theo nhận định của ngành chức năng, năm 2009 Việt Nam XK vượt trội về lượng của một số mặt hàng (trong đó XK gạo trong 11 tháng đã vượt hơn cả năm 2008). Tuy nhiên, kim ngạch của nhóm hàng nông sản chủ lực lại sụt giảm đáng kể. Đây là lý do XK năm 2009 tăng mạnh về lượng, nhưng giá trị kim ngạch tăng không tương xứng. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong năm 2009, lượng gạo XK đạt hơn 6 triệu tấn các loại, chiếm 15% thị trường XK gạo toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị XK còn thấp, giá trị tăng thêm không cao. Điều này làm giảm chất lượng cạnh tranh của gạo Việt Nam ở thị trường quốc tế, giá gạo XK bình quân cũng giảm. Năm 2010 cũng được coi là năm đầy triển vọng cho hoạt động XK gạo. Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường gạo năm 2010 sẽ sôi động hơn năm 2009 và giá XK cũng tăng cao hơn, DN sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Sự phục hồi của ngành XK gỗ trong quý IV-2009 đã đem lại cho ngành này sự tin tưởng vào triển vọng lạc quan trong năm 2010. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2010 phấn đấu tăng trưởng giá trị XK sản phẩm gỗ từ 8-10%. Tuy nhiên, những hợp đồng ký cho năm 2010 đều có thêm các điều khoản mới liên quan đến các rào cản kỹ thuật, gây áp lực lớn hơn đối với các nhà sản xuất và cung cấp đồ gỗ, đó là khó khăn mà các DN XK gỗ phải sẵn sàng đối mặt vào năm nay. Da giày là mặt hàng bị giảm mạnh vì sức mua của các thị trường XK tiềm năng như Mỹ, EU, Canađa, Nhật Bản, Hồng Công, Hàn Quốc, Ôxtrâylia… giảm. Trong khi đó, ngành giày dép vẫn chưa giải quyết được những vấn đề tồn đọng từ trước đến nay như gia công XK chiếm tỷ trọng lớn, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, công tác thiết kế, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước chưa được đẩy mạnh.

Mặc dù vẫn còn một số lĩnh vực chưa được như ý muốn, nhưng nhìn một cách tổng thể, kết quả xuất, nhập khẩu năm 2009 sẽ tạo tiền đề, động lực để năm 2010 có sức bật khi nền kinh tế hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngành hàng đã về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.