Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ngành, địa phương lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Nhóm PV HNM| 01/03/2013 06:16

(HNM) - Ngày 28-2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân là chương mới nhất và được người dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, có một số điểm mới đáng lưu ý như trước đây, chương này được xếp cuối nhưng lần này đưa lên chương 2, cho thấy sự quan trọng của quyền công dân. Dự thảo đã tách bạch quyền con người với quyền công dân; xác định rõ những quyền con người nào chúng ta bắt buộc phải thực hiện, quyền công dân được ghi nhận và cam kết thực hiện... Các chuyên gia cũng đã mang đến nhiều thông tin mới liên quan tới quy định tổ chức bộ máy nhà nước trong dự thảo, chỉ rõ cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp. Vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đưa vào yếu tố hiến định để có thiết chế thực hiện. Dự thảo cũng đã đề cập tới việc thành lập một số thiết chế hiến định độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.

* Ngày 28-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ý kiến chủ yếu tập trung góp ý về các điều khoản liên quan tới giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý quanh một số vấn đề khác như quyền bình đẳng giữa các dân tộc, nghiên cứu khoa học và công nghệ, bình đẳng giới… Về cơ bản, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí dự thảo sửa đổi, bổ sung; bản dự thảo đã giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội. Điều 66 nói về mục tiêu giáo dục, ý kiến góp ý cho là chưa đầy đủ, thậm chí chưa đầy đủ bằng bản sửa đổi bổ sung năm 2001. Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới, mới chỉ chú trọng phần "dạy chữ" với việc dạy nghề, dạy văn hóa mà chưa nêu lên phần "dạy người"…

* Ngày 28-2, Viện KSND Tối cao đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành KSND để lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp đã đi vào từng nội dung cụ thể trong dự thảo, bày tỏ rõ quan điểm tán thành hoặc không tán thành, có lý giải, phân tích và đưa ra phương hướng, nội dung cần sửa đổi, những nội dung cần bổ sung hoặc loại bỏ... Viện KSND Tối cao cũng mong muốn, thông qua việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ góp phần làm cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chế định Viện KSND.

* Ngày 28-2, TƯ Đoàn cũng đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các nhà nghiên cứu khoa học, cán bộ đoàn chủ chốt các thời kỳ, các giảng viên trẻ và sinh viên. Nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn khi dự thảo không đề cập về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà chỉ có riêng quy định về MTTQ Việt Nam và Công đoàn Việt Nam. Trong khi đó, trong Hiến pháp hiện hành vẫn ghi nhận vai trò của Đoàn Thanh niên; Quốc hội có Luật Thanh niên; Điều lệ Đảng cũng có đề cập đến vai trò của Đoàn Thanh niên. Về các quyền học tập, quyền nghiên cứu khoa học, nhiều sinh viên cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên có thêm quy định Nhà nước quản lý công tác giáo dục, đề ra các chiến lược, chính sách phát triển giáo dục; hoàn thiện nền giáo dục cho sát hợp với yêu cầu của người dân; tạo điều kiện tối đa cho phát triển khoa học và nghiên cứu khoa học.

* Cùng ngày, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề về đất đai để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được quy định trong Điều 57, 58 của chương III, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, sửa đổi nội dung về đất đai trong Hiến pháp sẽ là cơ sở quan trọng liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.

* Cùng ngày, một số quận, huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Hà Nội cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngành, địa phương lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.