Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nét mới

Thi Thi| 24/02/2011 07:48

(HNM) - Hôm qua (23-2), chương trình Ngày Điện ảnh Việt Nam 2011 và Giải thưởng Cánh diều 2010 (diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 10 đến 13-3) đã được Hội Điện ảnh Việt Nam công bố với một số nét mới.

Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận”.


11 phim truyện nhựa dự Cánh diều 2010

Năm nay, phim truyện nhựa (thể loại được công chúng quan tâm nhiều nhất) sẽ dự giải với 11 đại diện, nhiều hơn năm 2009. Danh sách này hội tụ khá đầy đủ những tên phim gây ấn tượng cũng như xôn xao trong làng điện ảnh năm qua như "Long thành cầm giả ca", "Cánh đồng bất tận", "Khát vọng Thăng Long", "Tây Sơn hào kiệt", "Vượt qua bến Thượng Hải", "Giao lộ định mệnh"… Có thể thấy ở đây những phim đã giành giải tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ I, phim được đầu tư công phu về lãnh tụ, phim về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phim giải trí tết thắng lợi về doanh thu… Nhà sản xuất cũng như đạo diễn các phim dự giải cũng rất đa dạng, từ các đơn vị làm phim nhà nước cho đến hãng phim tư nhân, từ đạo diễn trong nước cho đến các đạo diễn Việt kiều. Tất cả phản ánh tương đối sinh động diện mạo điện ảnh nước nhà thời gian gần đây.

Tiêu chí xét giải cao nhất vẫn là tính nhân văn cũng như khả năng thuyết phục người xem bằng ngôn ngữ điện ảnh. Năm nay, cơ cấu giải có thay đổi: giải khuyến khích sẽ được nhận "bằng khen" và  giải Báo chí - phê bình điện ảnh (độc lập với giải Cánh diều) cho phim truyện nhựa xuất sắc được tổ chức trở lại sau một năm gián đoạn.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho biết: Năm nay, phim ngắn sẽ tranh giải Cánh diều với 41 đại diện. Trước đó (từ năm 2003), giải này tổ chức độc lập, người dự thi chủ yếu là bạn trẻ tại các trường điện ảnh TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Để người Việt xem nhiều phim Việt
Đây là năm thứ hai Ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3) được tổ chức, các hoạt động vẫn tập trung vào chiếu phim, giao lưu, về nguồn, hội thảo… nhằm cổ vũ người Việt đến với điện ảnh Việt.

Có thể kể đến việc trình chiếu (miễn phí) các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu qua các thời kỳ tại các rạp Tháng Tám, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Viện Phim Việt Nam, Hãng phim Tài liệu - Khoa học TƯ từ ngày 12 đến 14-3. Không chỉ là phim mà là câu chuyện đất nước, con người, chuyện điện ảnh một thời của đất nước như "Chị Dậu", "Thung lũng hoang vắng", "Đời cát", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa gió chướng", "Hạt lúa vành đai", "Những cô gái Ngư Thủy" và mới nhất là "Nhìn ra biển cả".

Dịp này, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng in chuyển sang đĩa hình DVD các phim truyện nhựa và tài liệu của cố NSND Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh phục vụ công chúng; tổ chức chuyến đi về nguồn từ TP Hồ Chí Minh về điện ảnh Bưng Biền tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (ngày 11-3). Bên cạnh đó là hội thảo "Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống" (từ ngày 11 đến 12-3 tại TP Hồ Chí Minh).

Phim dự giải Cánh diều 2010


Phim truyện nhựa: 11 phim gồm “Tây Sơn hào kiệt” (Hãng phim Lý Huỳnh), “Hoa đào” (Công ty cổ phần Phim truyện I), “Vũ điệu đam mê” (Hãng phim truyện Việt Nam), “Vượt qua bến Thượng Hải” (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam), “Long thành cầm giả ca” (Hãng phim Giải phóng), “Khát vọng Thăng Long” (Công ty cổ phần Kỷ Nguyên Sáng), “Nhìn ra biển cả” (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), “Cô dâu đại chiến”, “Cánh đồng bất tận” (Công ty TNHH BHD và Hãng phim Việt), “Thiên sứ..99” (Hãng phim Phước Sang), “Giao lộ định mệnh” (Saga Film và Star Media Group). Phim truyện video: 19 phim. Phim ngắn: 41 phim. Phim hoạt hình: 9 phim. Phim tài liệu: 7 phim nhựa, 30 phim video. Phim khoa học: 5 phim. Công trình nghiên cứu LLPB: 4 tác phẩm.

Lễ khai mạc Ngày Điện ảnh Việt Nam 2011 và trao giải Cánh diều 2010 diễn ra vào 20h ngày 13-3 tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV4.

Hà Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nét mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.