Bằng việc tự giới thiệu là người quen của Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Giáo dục Đào tạo để lừa xin việc, đối tượng đã chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Những ngày này, khi vụ án được làm sáng tỏ, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đệ và chị Đàm Thị Mai Huệ (cùng trú tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) như quẳng được gánh lo. Trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, họ “thiệt đơn, thiệt kép” khi bất đắc dĩ trở thành trung gian chuyển tiền từ người có nhu cầu xin việc đến cho Đáp.
Vì thế, ngoài thiệt hại về vật chất (vợ chồng họ phải bỏ tiền của gia đình để đền bù cho các nạn nhân thực sự của vụ án vì những nạn nhân đó đều là hàng xóm hoặc thân, quen với gia đình) thì danh dự của vợ chồng chị Huệ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nhớ lại sự việc xảy ra, chị Huệ không khỏi bức xúc: Gần 4 năm trước, vợ chồng chị Huệ và anh Đệ có quan hệ quen biết với Lương Đình Đáp. Đáp giới thiệu với vợ chồng chị Huệ rằng anh ta có quen biết với ông Khánh, đang là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, có khả năng xin việc cho những người có nhu cầu vào công chức nhà nước.
Tin vào những lời nói khua môi, múa mép của Đáp, vợ chồng chị Huệ đã đứng ra nhận tiền và hồ sơ xin việc cho những trường hợp là con, cháu trong gia đình; những người hàng xóm, đồng nghiệp. Trong số đó có trường hợp của bà Cao Thị Giáp, là hàng xóm cũ của vợ chồng chị Huệ.
Tháng 12-2014, bà Giáp đặt vấn đề với chị Huệ về việc con gái là Trần Thị Kiều Trang vừa tốt nghiệp sư phạm mầm non, có nguyện vọng vào làm giáo viên Trường Mầm non xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Chị Huệ gọi điện thoại cho Đáp, đối tượng đồng ý với chi phí là 110 triệu đồng. Sau đó, khi bà Giáp đã đưa 90 triệu đồng, chị Huệ đã chuyển cho Đáp.
Tiếp đó, qua giới thiệu của bà Giáp, ông Hà Văn Quyền (trú tại huyện Trấn Yên) đã gặp vợ chồng Huệ nhờ xin việc cho con gái là Hà Minh Hằng vừa tốt nghiệp ngành quản lý giáo dục. Cũng như lần trước, sau khi Đáp nhận lời, Huệ đã chuyển cho đối tượng này số tiền là 110 triệu đồng.
Cùng làm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội nên chị Đặng Thị Lan Hương (trú tại huyện Trấn Yên) có quan hệ quen biết với Huệ. Qua nói chuyện, Hương biết Huệ đang nhận hồ sơ xin việc của một số người nên vào tháng 12-2014, Huệ chia sẻ với Hương rằng có người em gái là Đặng Thị Tình, đã tốt nghiệp trung cấp y nhưng chưa xin được việc làm...
Sau khi được Huệ thông tin về chi phí xin việc, chị Hương đồng ý và đã chuyển cho Huệ 100 triệu đồng. Chị Hương sau đó đã giới thiệu bà Nguyễn Thị Xuyến (trú tại huyện Trấn Yên), là chị chồng của Hương đến gặp Huệ để nhờ xin việc cho con gái là Đinh Thị Lan đã tốt nghiệp trường thể dục thể thao...
Cứ thế, người này tin tưởng vào người kia, đã có 7 người nộp tiền cho vợ chồng chị Huệ để xin việc. Tổng số tiền Huệ đã nhận là 650 triệu đồng và đều chuyển cho Đáp. Những lần này, Đáp đều viết giấy biên nhận vay tiền để xin việc.
Một thời gian dài, không thấy người thân được đi làm, một số trường hợp đã tìm gặp Huệ để đòi tiền. Vợ chồng Huệ sau đó đã nhiều lần liên lạc với Đáp nhưng đối tượng này khất lần. Khi thấy Đáp không thực hiện được lời hứa, vợ chồng Huệ lo lắng tìm gặp nhiều lần và đã lấy được 265 triệu đồng, số còn lại khoảng gần 400 triệu đồng, họ phải bỏ tiền túi ra trả.
Quá trình đấu tranh, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái còn xác định ngoài mạo danh có quen biết với Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo; đối tượng còn giới thiệu có em chồng làm việc tại Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân của vụ án này là bà Quán Thị Nhiên (trú tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) và ông Phạm Văn Chung (trú tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) với số tiền bị chiếm đoạt là 210 triệu đồng. Bà Nhiên nhờ Đáp xin việc cho con gái vào làm giáo viên Trường Tiểu học xã Minh Quân, huyện Trấn Yên; ông Chung xin việc cho con là Phạm Anh Tuấn vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
Đáp giới thiệu với ông Chung có quen cán bộ Phòng tổ chức của Sở Y tế nên có thể xin được cho con ông vào bệnh viện với chi phí là 250 triệu đồng. Ông Chung đồng ý và đưa hồ sơ xin việc cùng 100 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt của người bị hại khoảng gần 1 tỷ đồng, Đáp dùng để trả nợ lãi và gốc cho khoản vay đầu tư chơi đa cấp khoảng 40 triệu đồng... một phần trả lại, phần khác sử dụng để chi tiêu cá nhân, không có khả năng chi trả.
Quá trình điều tra, Đáp khai nhận trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 9-2013, Đáp còn nhận của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (ở TP Yên Bái) số tiền 450 triệu đồng và 7 bộ hồ sơ để xin việc cho 7 trường hợp là người quen của chị Thanh vào biên chế cơ quan nhà nước. Đáp đã chuyển tiền và hồ sơ cho chị Dường Thị Hồng Thủy (trú tại phường Minh Tân, TP Yên Bái).
Vụ việc hiện đang được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái thụ lý theo thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.