(HNMO) - Ngày 26-10, Bộ GTVT đã họp trực tuyến “Sơ kết 1 năm triển khai tuyến vận tải ven biển” tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, số lượng các tàu thuyền được cấp phép vận tải đường thủy nội địa liên tục tăng. Hàng trăm tàu thuyền có tải trọng lớn, có thể chuyên chở cả các container hàng hóa, là minh chứng cho sự phát triển không ngừng của vận tải đường biển.
Hơn nữa, với lợi thế là việc ra vào các khu vực cảng không cần phải thông báo, phải đăng ký đăng kiểm nên vận tải đường biển cũng ít thủ tục, khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy an tâm hơn. Không những vậy, vận tải đường thủy nội địa còn liên kết các vùng kinh tế, nguyên liệu với nhau chặt chẽ hơn.
Đơn cử, những nhà máy sản xuất lúa gạo, hay các sản phẩm từ lúa gạo ở khu vực TP Hồ Chí Minh là những doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi khi vận tải đường thủy lúa gạo từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên, nhờ hệ thống cảng biển nước sâu tiếp nhận và các sông ngòi nơi tập kết nguyên liệu.
|
Mặc dù vậy, vận tải đường thủy nội địa còn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc các tai nạn đường thủy xảy ra vẫn còn nhiều và hậu quả tai nạn thường nghiêm trọng hơn so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, do vận tải đường biển có đặc thù là lao động chuyên biệt, mỗi chuyến biển có khi kéo dài nhiều ngày, tiền chi phí nhân công tốn kém, bảo hiệm cũng cao hơn so với các phương tiện đường bộ nhưng chưa có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động.
Đặc biệt, nhiều khu luồng, cảng biển còn hạn chế các công suất tàu, bị bồi đắp nhưng chưa nạo vét kịp thời khiến phương tiện lưu thông còn hạn chế. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, chi phí neo đậu, hoa tiêu dẫn tàu ra vào cảng, luồng dẫn còn cao, bất cập và chồng chéo nhau, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, vận tải đường bộ ngày càng có nhiều bất cập, như tắc nghẽn, kẹt xe tai nạn… nên đây là thời cơ để vận tải đường thủy nội địa phát triển. Hiện ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có cảng với rất nhiều hàng hóa được trung chuyển. Các loại hàng hóa thường xuyên được vận chuyển bằng đường thủy nội địa chính là vật liệu xây dựng, thiết bị, than như tuyến biển Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Với hơn 3.200 km đường bờ biển, 55 cảng biển cùng nhiều cửa sông nối ra biển, tiềm năng vận tải đường biển nội địa ở nước ta là vô cùng lớn. Đến nay, với tổng số 6.346 phương tiện tàu thuyền được cấp phép chạy trên tuyến sông biển cũng khiến số lượng hàng hóa lưu thông đường thủy nội địa là vô cùng lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.