(HNM) - Là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn rất coi trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị.
Chăn nuôi bò sữa là hướng phát triển bền vững của nông dân huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). |
Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2008-2013 đạt 4,6% (cao hơn so với mức tăng 2,9% của cả nước) vẫn chưa thể làm hài lòng những người có trách nhiệm. Dẫn chứng về việc chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế ngành nông nghiệp vùng ven đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua không mấy vui khi thực trạng các khách sạn trên địa bàn thành phố vẫn nhập rau xanh từ nước ngoài, trong đó nhiều loại nông dân có thể sản xuất được. Mặt khác, ngành nông nghiệp chưa biết khai thác tiềm năng khi trên địa bàn tập trung nhiều cơ quan trung ương nghiên cứu về nông nghiệp. Thêm nữa, Nhà nước có hỗ trợ chính sách cho nông dân phát triển mô hình chuyên canh nhưng hiệu quả chưa cao. "Kết quả vẫn có thể làm tốt hơn nữa nếu Đảng ủy, chính quyền và nông dân các xã vùng ngoại thành khai thác hiệu quả đàn bò sữa (51% tổng đàn bò sữa trong cả nước) và đưa hàng nông sản, rau an toàn vào hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn…" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất tập trung hướng tới xuất khẩu hàng nông sản đã được thảo luận kỹ. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung xây dựng giải pháp tối ưu về tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, không ỷ lại cho cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã hình thành các vùng chuyên canh hoa cây cảnh, cây ăn quả xen các vườn hoa đặc chủng, cây ăn quả tập trung, rau thực phẩm các loại và vùng chăn nuôi cung cấp thịt, sữa, thủy sản... Chủ trương của TP những năm tới đây là thực hiện quy hoạch và giữ vững quy hoạch khu vực nông thôn ổn định; chỉ đạo định hướng phát triển du lịch gắn với các làng nghề, khu sinh thái, bảo đảm môi trường xanh, sạch, không sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Với định hướng đó, UBND TP đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hỗ trợ chính sách giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thông qua đặt hàng, thu mua nông sản, đặc biệt chú trọng xây dựng "Sàn giao dịch nông sản", nhằm khắc phục tình trạng người nông dân bị ép giá. Theo ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, để phát triển nông nghiệp bền vững, xứng với tiềm năng hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, thành phố cần phải chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, máy móc trực tiếp cho nông dân theo phương thức trả chậm; liên kết với các hiệp hội chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân ở mức tối đa.
Phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ là nguồn tăng trưởng GDP, mà còn tạo ra nhiều giá trị khác như: Sinh thái, môi trường, giáo dục, nghỉ dưỡng... Với một đô thị đặc biệt, TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế cho mô hình nông nghiệp đô thị, điểm nhấn chính là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân.
Giai đoạn 2013 - 2020, TP Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng hơn 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm (năm 2015) và 800 triệu đồng/ha/năm (năm 2020). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.