(HNM) - Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đến nay, nước ta đã hình thành mạng lưới thư viện rộng khắp ở các cấp. Điều đáng mừng là nhiều thư viện nhanh nhạy, chủ động ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện việc chuyển đổi số, nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức một cách có hiệu quả.
Thực tế cho thấy, những thư viện sớm chuyển động trên nền tảng số đã thu được những kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, nhờ sớm chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại, hoạt động trên nền tảng số, nhiều thư viện đã tháo gỡ được những khó khăn do dịch bệnh gây ra, giúp cho công tác phục vụ bạn đọc không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc các thư viện tăng cường khai thác những tiện ích của mạng xã hội cũng đã tạo ra những kênh cung cấp tri thức bổ ích, cần thiết cho bạn đọc…
Việc chuyển đổi số ngành Thư viện là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, tiết kiệm thời gian cho độc giả; đồng thời thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hiện không phải thư viện nào cũng thực hiện tốt việc chuyển đổi số bởi những hạn chế về nhân lực, tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin…
Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg (ngày 11-2-2021) phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được coi là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Để thực hiện tốt việc chuyển đổi số ngành Thư viện, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần khẩn trương triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quyết định số 206/QĐ-TTg; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người làm công tác thư viện về vai trò quan trọng của chuyển đổi số ngành Thư viện; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho các thư viện. Bên cạnh đó là sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích chuyển đổi số trong thư viện cộng đồng, cũng như thu hút nguồn lực tham gia tài trợ, đóng góp cho việc thực hiện chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu ngành Thư viện...
Đối với các thư viện cần liên kết chặt chẽ với nhau để liên thông nguồn tài liệu số; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu dịch vụ thư viện số; có các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với hệ thống thư viện. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…
Với đội ngũ cán bộ thư viện cần chủ động trong việc nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng công nghệ, cũng như kỹ năng về quản trị thông tin tri thức, quản trị thông tin trên internet để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Việc chuyển đổi số sẽ hình thành những thư viện số, mang lại nhiều lợi ích thiết thực khi các nguồn tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng. Chủ động, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, ngành Thư viện sẽ đáp ứng văn hóa đọc thời hiện đại, sớm hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 206/QĐ-TTg.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.