Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều “lỗ hổng” chưa được xử lý

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 20/12/2014 07:43

(HNM) - Hàng loạt công trình được cấp phép xây dựng dưới dạng nhà ở riêng lẻ, song trên thực tế lại

Công trình tại số 300 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1) quây tôn kín từ phần tum phía sau công trình.



Vi phạm vẫn không bị xử lý

Sau khi Báo Hànộimới nêu vi phạm trật tự xây dựng tại hàng loạt các chung cư (CC) mini, chúng tôi đã có buổi làm việc, trao đổi với đại diện một số các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Theo thông tin của cán bộ Phòng quản lý đô thị quận Thanh Xuân, công trình tại ngách 29/6, phố Khương Hạ (phường Khương Đình) được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) 8 tầng, tuy chiều ngang của ngách tại vị trí này chưa đầy 2m, nhưng căn cứ vào quy hoạch đô thị đến năm 2030 thì các công trình tại khu vực này liệu có được cấp phép với chiều cao như vậy? Còn công trình tại ngõ 422, đường Khương Đình được UBND quận cấp GPXD năm 2013 với 7 tầng, 1 tum và mật độ xây dựng 71%. Tuy công trình xây vượt 2 tầng, sai mật độ đã bị các cơ quan chức năng yêu cầu dỡ bỏ phần xây dựng sai phép, nhưng chủ đầu tư chỉ dỡ bỏ 1 tầng, tầng còn lại đến nay vẫn được "bảo toàn", không hiểu ở đây có ẩn số gì?

Còn tại quận Nam Từ Liêm, hai công trình liền kề ở ngõ 2, đường vào Trường Đại học Hà Nội (phường Trung Văn) được cấp phép từ năm 2010 và 2011 với số tầng chỉ là 5 và 6 tầng, nhưng hiện tại cả hai công trình đều lên tới 8 tầng mà vẫn ung dung tồn tại (?) Đặc biệt, công trình tại số 33, ngõ 5, đường Tân Mỹ (phường Mỹ Đình 1) tuy cao 7 tầng nhưng không hề có GPXD? Khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đều khẳng định, vi phạm sẽ bị xử lý; tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì các vi phạm này vẫn "án binh bất động", công trình vẫn hoàn thiện và đưa vào sử dụng bình thường.

Thực tại cho thấy, việc xử lý vi phạm như chỉ "làm phép" vì cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự quyết liệt, có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Điển hình là công trình tại số 300 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1). Công trình được cấp phép tháng 6-2013 với 6 tầng, 1 lửng, 1 tum, nhưng hiện tại đang là 8 tầng và 1 tum. Với sai phạm này, công trình đã bị UBND huyện Từ Liêm (cũ) xử phạt vi phạm hành chính từ tháng 3-2014 và giao UBND xã Mỹ Đình cùng các phòng, ban chức năng kiểm tra, giám sát… Không biết việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị này phát hiện được gì, chỉ biết công trình vẫn không bị xử lý? Theo đại diện của UBND quận Nam Từ Liêm thì UBND quận sẽ yêu cầu phường Mỹ Đình 1 báo cáo, nếu vi phạm sẽ xử lý. Vậy nhưng, theo quan sát của phóng viên, phía mặt tiền của công trình không có gì thay đổi, nhưng từ phần tum hất trở lại phía sau của công trình chủ đầu tư đã quây kín tôn, phía dưới chân công trình tập kết nhiều cát… Người dân ở đây khẳng định, chủ đầu tư đang tiếp tục xây dựng một tầng nữa phía trên… Không lẽ, vi phạm ở đây tiếp tục được cơ quan chức năng dung túng?

Bất cập từ đâu?

Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư đều xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để che đậy mục đích xây CC mini. Do không quy định nào cấm trong một công trình chỉ được xây dựng tối đa bao nhiêu căn hộ khép kín, không giới hạn số người ở trong công trình nên chủ đầu tư xin xây dựng bao nhiêu căn hộ trong một tòa nhà là quyền của họ và các cơ quan chức năng phải cấp phép khi họ đủ các điều kiện theo quy định. Chính kẽ hở này đã khiến trên một diện tích đất nhỏ nhưng có đến hàng chục căn hộ với hàng trăm con người sinh sống. Hệ lụy là hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và người "chịu trận" là người dân sống trong khu vực, còn cơ quan cấp GPXD thì không phải chịu trách nhiệm vì vẫn làm đúng quy định?

Ở một khía cạnh khác, theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 thì về hình thức, các công trình trên đều thỏa mãn khái niệm nhà CC. Song, các chủ đầu tư không xin phép xây dựng CC để tránh phải lập dự án, tránh phải thực hiện các điều kiện nghiêm ngặt khi xây nhà CC và để giảm thiểu chi phí. Cũng theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị có tổng diện tích sàn xây dựng từ 1.000m2 trở lên hoặc có chiều cao từ 6 tầng trở lên (tính cả tầng hầm) thì bắt buộc phải có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực do đơn vị chức năng cấp trước khi đưa vào sử dụng. Song, theo đại diện Phòng quản lý đô thị quận Thanh Xuân thì không có văn bản pháp luật hướng dẫn đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm cấp giấy "chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực" là đơn vị nào, do vậy cấp quận không có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận này!

Đối với các căn hộ tại CC mini nêu trên, nếu không có chứng nhận bảo đảm an toàn chịu lực; nhà ở có nhiều căn hộ mà không đủ các điều kiện về nhà CC hoặc nhà ở thuộc diện phải xin GPXD mà không có GPXD thì không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đó… Và như vậy, người mua căn hộ khó có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Không hiểu các tranh chấp phát sinh sau này sẽ kéo dài đến đâu, nhưng một số lãnh đạo các địa phương lại lạc quan vì theo khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 thì "Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD". Tuy nhiên, theo Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng thì quy định trên chỉ áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được đưa vào sử dụng… Trong khi đó, nhiều vi phạm tại các CC mini ở quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đã bị phát hiện từ khi công trình đang xây dựng. Do vậy, quy định này không phải là chỗ dựa để hợp thức được vi phạm...

Hậu quả lâu dài để lại cho xã hội từ những "kẽ hở" nêu trên là sẽ "đẻ" ra rất nhiều các tranh chấp, khiếu kiện vì trong giao dịch loại nhà ở này chứa đựng nhiều rủi ro. Song theo nhiều cán bộ, chính người mua nhà phải chịu trách nhiệm vì đó là sự lựa chọn của họ. Nếu các "công bộc" thực hiện đúng trách nhiệm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng thì chắc chắn đã có thể ngăn chặn được vi phạm ngay từ đầu. Điều đáng nói là, có thể một số quy định liên quan đến quản lý nhà CC mini hiện vẫn còn nhiều bất cập, song việc các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý mới thực sự là vấn đề nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân và để lại nhiều hệ lụy xấu. Không lẽ, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân với các vi phạm này vẫn không được làm rõ? Chúng tôi xin gửi câu hỏi này đến UBND các quận và lực lượng Thanh tra xây dựng thành phố có câu trả lời thỏa đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “lỗ hổng” chưa được xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.