Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều lỗ hổng cần lấp

Quốc Bình| 22/11/2011 07:41

(HNM) - Trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội dự kiến triển khai trên 1.000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với tổng nhu cầu vốn rất lớn, lên đến trên 560.000 tỷ đồng. Bên cạnh các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn trái phiếu, vốn ngân sách, nguồn lực từ đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng.


Nguồn lực này đã được vận dụng khá tốt góp phần xây dựng thành công hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn TP, nhưng cũng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để không trở thành lực cản trong giai đoạn tiếp theo.


Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Cầu Giấy.  Ảnh: Năng Lực

Nhiều kẽ hở cần bịt

Sử dụng nguồn lực đất đai để phát triển ở địa phương có nhiều hình thức đa dạng mà đấu giá đất chỉ là một trong số đó. Nhưng chính hình thức khai thác nguồn lực đất đai theo kiểu trực tiếp này còn nhiều kẽ hở. Nhiều dự án đấu giá bất động sản có kết cục như một kịch bản: Kết quả đấu giá rất cao, người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc và biến mất. Chính vì thế, kết quả đấu giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ được công bố chưa hẳn là kết quả thực tế đem lợi cho Nhà nước. Vì rất có thể, người trúng đấu giá sẽ biến mất như đúng kịch bản.

Ngoài đấu giá đất, hình thức đầu tư BT cũng đang có nhiều mặt trái. Theo hình thức này, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng công trình cho Nhà nước, đổi lại họ được Nhà nước trả cho một diện tích đất để sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế lại không diễn ra theo đúng trình tự và nguyên tắc như vậy. Để thúc đẩy tiến độ công trình, hỗ trợ khó khăn (có thể thật hoặc bị nhà đầu tư hư cấu) của nhà đầu tư, Nhà nước thường có hình thức ứng vốn trước cho nhà đầu tư thực hiện công trình. Để khích lệ nhà đầu tư, Nhà nước thường giải quyết phần đất theo hợp đồng BT rất khẩn trương. Nhưng thay vì khẩn trương hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước về phần đất này, các chủ đầu tư thường lần lữa, kéo dài nhằm chiếm dụng vốn.

Tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở quản lý đất đai để trục lợi còn được minh chứng bởi số nhà đầu tư chậm quyết toán các dự án nhằm chiếm dụng vốn tại Hà Nội. Theo báo cáo mới nhất của ngành tài chính, hiện nay trên toàn địa bàn TP có trên 150 dự án đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán tài chính với Kho bạc Nhà nước. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, trong đó năm 2009, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội cũng cho biết con số doanh nghiệp chậm tất toán tương tự như năm 2011 vừa kể trên. Chưa kể các chế tài mang tính pháp luật, có một cách "mềm" hơn để giải quyết tình trạng này là TP công bố danh sách những nhà đầu tư vi phạm và quy định không chấp nhận cho tham gia các công trình, dự án khác trên địa bàn TP. Nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa thực hiện được biện pháp này với lý do không thỏa đáng là "các sở, ngành chưa liên thông được thông tin với nhau".

Nâng cấp quy định, siết chặt quản lý

Sở KHĐT TP cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến Hà Nội cần triển khai trên 1.000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với tổng mức đầu tư khoảng 569.114 tỷ đồng. Trong đó, tổng khả năng cân đối và huy động của ngân sách TP trong 5 năm 2011-2015 dự kiến có thể ở mức 370.000 tỷ đồng. Số lượng vốn như vậy đòi hỏi Hà Nội phải khai thác thật tốt nguồn lực đất đai để phát triển. Trong hoàn cảnh như vậy, những hạn chế, yếu kém kể trên cần phải được khắc phục triệt để.

UBND TP Hà Nội đang xây dựng quy định quản lý đầu tư thay thế Quyết định 37/2010/QĐ-UBND ngày 20-8-2010 với mục đích bổ sung các quy định, tăng cường chế tài nhằm sàng lọc kỹ các nhà đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm của các doanh nghiệp về sử dụng đất đai, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Dự kiến trong tuần tới UBND TP sẽ tiếp tục thảo luận để hoàn thiện quy định này trước khi ban hành. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định, với quy định mới, Hà Nội sẽ giải quyết được những bất cập trong quản lý đất đai dẫn đến những hạn chế trong sử dụng nguồn lực này hiện nay.

Vì thiếu quyết tâm nên nhiều cấp, nhiều ngành cũng không hoàn thành các mục tiêu sử dụng đất của mình. Tình trạng mục tiêu sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án sử dụng đất được ban ra nhưng thực hiện "chẳng được bao nhiêu" vẫn thường diễn ra. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết: "Nhiều nơi muốn xây dựng trường mầm non mà không có đất, trong khi một số nơi có đất, có vốn nhưng lại không xây dựng nổi trường mầm non". Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nói thêm: "Cần phải tính toán thật kỹ để các danh mục, mục tiêu của các sở, ngành, các địa phương đã được ban hành phải được thực hiện tốt". Để khắc phục hạn chế này, Thường trực HĐND TP cũng xác định ngay trong kỳ họp HĐND TP cuối năm nay sẽ quyết định danh mục các dự án mà TP sẽ triển khai trong 5 năm tới. Trong đó, mỗi dự án đều phải được tính toán dựa trên tính khả thi đặc biệt là nguồn lực tài chính. Qua đó sẽ giúp cho việc sử dụng nguồn lực đất đai ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, thay vì việc bỏ hoang đất, để "treo" dự án…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lỗ hổng cần lấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.