Hàng năm, nước ta có hàng chục nghìn lao động (LĐ) trở về nước mang theo nguồn vốn tương đối lớn, cùng với đó là tay nghề, kỹ năng học hỏi được trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn nhiều NLĐ sau khi trở về đã thất nghiệp, làm kinh tế nhỏ lẻ, một số thì làm công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương “khiêm tốn”. Dù các quận, huyện, các cơ quan ban ngành đã nỗ lực tổ chức ngày hội việc làm, ra các chính sách sử dụng NLĐ có chất lượng nhưng số LĐ có việc làm vẫn chưa được như mong muốn.
Tư vấn việc làm cho người lao động |
Gần 10.000 lao động đi xuất khẩu lao động mỗi tháng
Tính đến hết tháng 10-2015, có 99.415 lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nâng 8.857 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2015, vượt 4,65% kế hoạch năm 2015 và bằng 109,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 10-2015, có 8.857 LĐ làm việc tại các thị trường Đài Loan: 4.415 người; Nhật Bản: 2.112 người; Hàn Quốc: 843 người, Malaysia: 838 người, Ả rập - Xê út: 302 người, Macao: 40 người và các thị trường khác. Năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục được xác định là thị trường trọng điểm. Đây là thị trường tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, có mức lương cơ bản khá tốt so các thị trường hiện có. Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ NLĐ đầy đủ từ cả hai phía và có sự phù hợp trên nhiều phương diện với nguồn lực LĐ Việt Nam hiện nay. Tại thị trường Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa 3 năm.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận LĐ có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý. Tại thị trường Hàn Quốc, trong khuôn khổ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hai nước đã ký lại Biên bản ghi nhớ đặc biệt (MOU đặc biệt) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm (EPS) của Hàn Quốc. Trong đợt tuyển dụng theo MOU đặc biệt này, phía Hàn Quốc đồng ý để Việt Nam đưa lên mạng 5.400 hồ sơ, và tối đa 2.900 lao động sẽ được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, và nông nghiệp.
Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000 NLĐ được đi làm việc ở nước ngoài. Điều này cho thấy, cơ hội được học hỏi, rèn rũa tay nghề, kiến thức kỹ thuật cao của NLĐ là rất lớn. Các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất ưu ái LĐ Việt Nam. Tuy nhiên, đau đầu nhất là bài toán dành cho hậu xuất khẩu lao động. Khi NLĐ trở về, có vốn kha khá, họ mở cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, có người mở cửa hàng cầm đồ, người thì đi làm thuê cho công ty của Việt Nam với đồng lương 3 -4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của họ cũng coi như tạm ổn. Nhưng số đó chỉ chiếm khoảng 30%, ít người tìm được công việc ổn định phù hợp với ngành nghề mình tu nghiệp, làm việc ở nước ngoài.
Nhiều cơ hội nhưng chưa nắm bắt kịp thời
Mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức ít nhất là 4 phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho những NLĐ trở về từ nước ngoài. Ngoài ra, trong các phiên giao dịch định kỳ tổ chức 8 phiên mỗi tháng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng LĐ trở về từ nguồn xuất khẩu lao động. Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 2 phiên chuyên đề dành riêng cho LĐ trở về từ Hàn Quốc, 1 phiên dành cho LĐ trở về từ Nhật Bản, Lybia và hàng trăm chỉ tiêu cho NLĐ trở về. Nhiều LĐ cho biết, sau khi về nước rất khó để tìm được một công việc có mức lương như mong muốn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa thực sự tìm được NLĐ do việc kết nối thông tin còn hạn chế. Tại mỗi phiên giao dịch của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội có khoảng 500 LĐ được phỏng vấn và gần 200 LĐ tìm được việc làm theo nguyện vọng.
Trước đó, từ năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo nghề, khởi nghiệp miễn phí cho NLĐ Việt Nam đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc trở về nước đúng hạn. Các hoạt động này có sự phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho NLĐ, doanh nghiệp Hà Nội nói riêng, NLĐ, doanh nghiệp cả nước nói chung. LĐ từ khắp nơi đổ về Hà Nội để được học nghề, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, để có những công việc tốt hơn. Qua các lớp học, NLĐ có cơ hội được giới thiệu vào làm trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam với những vị trí như quản lý sản xuất, phiên dịch, nhân viên văn phòng. Đến nay chương trình đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 LĐ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, mới đây, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các phòng ban liên quan xây dựng đề án hậu XKLĐ. Trong đó điều cần nhất là xây dựng được ngân hàng dữ liệu về LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó có thể cung cấp cho các địa phương để bàn tính chuyện giải quyết việc làm cho họ. Hay các doanh nghiệp cần tuyển lao động sẽ vào ngân hàng dữ liệu này chọn lựa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.