Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều lao động buộc phải chọn việc làm phi chính thức

Kim Vũ| 27/12/2012 07:17

(HNM) - Cả nước hiện có 984.000 người thất nghiệp (chiếm tỷ lệ 2,01%) và 1.369.000 người thiếu việc làm (chiếm 2,74%). Nhiều người đã buộc phải gia nhập khu vực kinh tế phi chính thức và những yếu thế về kinh tế đã thể hiện rõ nét hơn. Đó là những cảnh báo mà Tổng cục Thống kê đưa ra.



Ở khu vực nông thôn hiện có 1,1 triệu người thiếu việc làm, cao hơn rất nhiều so với thành thị là 246.000 người. Điều này được chứng minh qua cuộc khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO tại một số tỉnh phía Bắc. Nhiều thanh niên nông thôn cho biết họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như thiếu việc, ít được tiếp cận các thông tin việc làm, lương thấp, thiếu các kỹ năng cần thiết, môi trường làm việc không bảo đảm... Phần lớn thanh niên ở các tỉnh làm các công việc lao động phổ thông, việc làm theo mùa vụ và kiếm tiền nhỏ lẻ, chất lượng việc làm thường không đảm bảo và không được tiếp cận với các nguồn an sinh xã hội.

Trong ba quý năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn (2,01%) so với cùng kỳ năm 2011 là 0,33%. Điều này có vẻ là nghịch lý trong khi nhiều doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, đây là thực tế khi NLĐ mất việc, thiếu việc ở khu vực chính thức đã tìm mọi cách để kiếm việc làm, tìm thu nhập ở khu vực phi chính thức (khu vực ngoài nhà nước). Bao gồm người tự tạo việc làm, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Còn LĐ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực Nhà nước có xu hướng giảm dần qua các quý, khoảng 3%. Như vậy, có thể thấy sức hút từ khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng cao. NLĐ sẵn sàng làm công việc không liên quan gì đến ngành nghề đã chọn, họ sẵn sàng xoay xở đủ nghề để có thu nhập. Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay chỉ có thể bù đắp cho NLĐ một khoản nhỏ. Nói như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thì các cơ quan thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Còn NLĐ tìm việc như thế nào, công tác định hướng nghề nghiệp cho họ ra sao, chưa thực sự làm được.

Bà Phan Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều LĐ phải chấp nhận mức thu nhập thấp và thiếu ổn định trong môi trường kinh tế phi chính thức. Họ không có sự lựa chọn nào khác do tình hình kinh tế khó khăn.

Có một thực tế là xã hội hiện đang có sự chuyển đổi nguồn lao động phổ thông từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Bởi vậy, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức. Ngay sau khi công bố kết quả điều tra về việc làm năm 2012, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục tăng cường điều tra việc làm với khu vực việc làm chính thức và phi chính thức. Đồng thời, bổ sung thêm các câu hỏi về di cư, dịch chuyển lao động nhằm cho ra kết quả điều tra lao động việc làm chính xác hơn, cụ thể hơn.

Số người thất nghiệp ở khu vực thành thị là 494.000 người, khu vực nông thôn là 459.000 người. TP Hồ Chí Minh được xếp vào diện tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 3,92%; tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 2,21%. Kế đến là Hà Nội 2,15%. Thấp nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc với 0,77%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều lao động buộc phải chọn việc làm phi chính thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.