(HNM) - Còn 3 ngày nữa là hết thời gian Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo Chương trình). Ý kiến đồng tình, ủng hộ dự thảo nhiều, song cũng có không ít người bày tỏ
Coi trọng năng lực cá nhân
Theo đánh giá của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, dự thảo Chương trình lần này được xây dựng khá bài bản và khoa học, phù hợp với xu thế phát triển chung. Điểm mấu chốt của Chương trình là xây dựng trên quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh (HS), trong đó có việc giảm tải tính lý thuyết, hàn lâm, coi trọng sự phát triển năng lực cá nhân.
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Bảo Kha |
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ trong dự thảo Chương trình là số môn học bắt buộc giảm, thời lượng dành cho các môn tự chọn tăng, nhất là ở cấp học cuối của phổ thông. Theo dự thảo, khi học đến cấp THPT, HS chỉ phải học 4 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và công dân với Tổ quốc - tổng thời lượng là 9 tiết/tuần. 19 tiết còn lại trong tuần đều dành cho các môn hoặc chuyên đề tự chọn. Như nhận định của TS Nguyễn Tùng Lâm, thì đây là điểm rất tiến bộ của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi nội dung, mục tiêu giáo dục đã không còn "cào bằng", mà đã chú ý đến năng lực, nguyện vọng, thế mạnh của từng đối tượng HS. Điều này sẽ giúp ích cho HS trong việc tiếp cận và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho ngành nghề, công việc sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Các chuyên gia cho rằng, đây là lần đầu tiên có một chương trình thể hiện tính hệ thống và liên thông giữa ba cấp tiểu học - THCS - THPT. Điều đó giúp việc xác định "hành trang" cần có cho HS cũng mang tính hệ thống, nâng cao dần theo cấp học và không bị trùng lặp. Đây là điều hạn chế của giáo dục hiện nay và đã được điều chỉnh trong vài năm trở lại đây, song vẫn không đạt được như mong muốn.
Học sinh sẽ vẫn "bị chọn" môn tự chọn?
Như trên đã đề cập, dự thảo Chương trình lần này coi trọng đặc biệt đến phát triển năng lực cá nhân, thông qua việc thiết kế hệ thống các môn học, bao gồm các môn học bắt buộc và môn học tự chọn, trong đó điểm đáng chú ý là tỷ lệ môn/nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Trong các môn học tự chọn lại chia làm 3 loại: Tự chọn tùy ý, tức là HS có thể chọn hoặc không chọn; tự chọn trong nhóm môn học và tự chọn trong môn học.
Dự kiến điều chỉnh này của Bộ GD-ĐT được đa phần phụ huynh, HS hào hứng. Cách thức này được kỳ vọng sẽ không chỉ phát huy được thế mạnh của HS ở các môn học hoặc nội dung học sở trường các em yêu thích, mà còn góp phần giảm nhiều áp lực, căng thẳng trong dạy và học của cô, trò các nhà trường. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến của phụ huynh, nhất là những người đang có con học phổ thông và cả từ phía các thầy cô giáo, cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của sự điều chỉnh này. Từ nay đến thời điểm chính thức triển khai chương trình là 3 năm, quãng thời gian ấy có đủ để chuẩn bị các điều kiện triển khai đạt chất lượng hay không, khi mà điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên ở nhiều nơi, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn? Mối lo ấy không phải là không có cơ sở, bởi thực tế việc tổ chức dạy học tự chọn đã được triển khai ở các nhà trường khá nhiều năm nay, song ý nghĩa của việc HS được chọn vẫn chỉ ở mức độ tương đối. Lý do là bởi nhà trường không đủ điều kiện về phòng học, trang thiết bị, cũng khó để xoay xở về giáo viên nếu HS được tùy ý chọn theo nguyện vọng, sở thích.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xác nhận, việc dạy học phân hóa ở cấp học cao hơn, nhất là khi HS lên tới cấp THPT, sẽ có thể xảy ra tình trạng có môn/nội dung học được nhiều HS đăng ký học, có môn sẽ có ít HS chọn. Để bảo đảm chất lượng, việc dạy học tự chọn sẽ được tổ chức dựa trên nhu cầu của HS và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (ví dụ như giáo viên, phòng học, thời gian, trang thiết bị…) của nhà trường. Nhà trường cũng có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi HS sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp HS… để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho HS. Do đó, việc học tự chọn có thể sẽ khác nhau giữa các trường, các địa phương; đối với từng trường thì năm sau cũng có thể khác năm trước vì nhà trường càng phát triển thì càng tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho HS.
Dẫu vậy, dư luận vẫn lo ngại, thời gian chuẩn bị không còn dài, nếu không có những quyết sách mạnh mẽ trong công tác chuẩn bị thì có lẽ việc học tự chọn vẫn không khác nhiều so với hiện nay, tức là "bị" chọn chứ không phải "được" chọn theo đúng nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.