Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khúc mắc trong bồi thường Giải phóng mặt bằng

Bài, ảnh: Duy Biên| 18/12/2014 06:44

(HNM) - Ngày 21-9-2006, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4168/QĐ-UBND về việc thu hồi 161.892m2 đất tại các xã Tây Tựu, Minh Khai (nay là phường Tây Tựu, Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) để xây dựng đề-pô xe điện thuộc Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Một phần diện tích người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn canh tác bình thường.



Theo quyết định nói trên, tại phường Tây Tựu, đất thu hồi làm đề-pô xe điện nằm trong tờ bản đồ 27 (324-A-I), 28 (324-A-II) và 30 (324-A-III) của bản đồ đất nông nghiệp. Trong số hộ thuộc danh sách nhận tiền bồi thường GPMB gồm có gia đình ông Nguyễn Tự Hùng - bị thu hồi 340m2 thuộc thửa số 453, tờ bản đồ 9; 336m2 thuộc thửa số 197, tờ bản đồ 18; 72m2 thuộc thửa số 39, tờ bản đồ 23; gia đình ông Chu Thiên Sửu - bị thu hồi 337m2 thuộc thửa số 38, tờ bản đồ 19; gia đình ông Nguyễn Khắc Hỗ - bị thu hồi 360m2 thuộc thửa số 80, tờ bản đồ số 22; 415m2 thuộc thửa số 204, tờ bản đồ số 7; gia đình ông Chu Thiên Linh - bị thu hồi 107m2 thuộc thửa số 247, tờ bản đồ số 8. Như vậy, có ít nhất có 7 thửa đất của 4 hộ gia đình nằm ở các tờ bản đồ khác không thuộc Dự án đề-pô xe điện. Điều lạ lùng là các thửa đất của 4 hộ gia đình này cách điểm xây dựng đề-pô xe điện từ 1km đến 2km. Mặc dù các hộ này đã nhận tiền bồi thường từ năm 2007 nhưng sau đó, vẫn trồng rau trên các thửa đất bị thu hồi.

Trao đổi với phóng viên về việc tại sao những thửa đất không nằm trong Dự án đề-pô xe điện lại được chi trả đền bù, ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu lý giải: Sở dĩ có việc như vậy là do các hộ hoán đổi diện tích đất. Theo quy định, những hộ có diện tích chia thừa theo Nghị định 64/CP, năm 1999, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được đền bù, dẫn đến việc một số người không chịu bàn giao đất cho dự án. Những hộ dân bị thu hồi đều có nhiều thửa đất và ở những vị trí khác nhau, trong đó có cả thửa được và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, người dân đã có biên bản thỏa thuận với Hội đồng Bồi thường GPMB của huyện ở thời điểm đó xin hoán đổi từ diện tích bị thu hồi nằm trong Dự án đề-pô xe điện (nhưng không được bồi thường vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) sang lấy diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nhưng nằm ngoài dự án) để nhận tiền đền bù rồi mới bàn giao mặt bằng sớm cho dự án. Các hộ đều cam kết sau này, nếu có dự án nào lấy đất vào các thửa đã hoán đổi (nằm ngoài Dự án đề-pô xe điện) thì sẽ không nhận đền bù. Do các thửa đất đó thực tế chưa bị thu hồi nên các hộ vẫn canh tác.

"Việc hoán đổi như thế có đúng quy định không?". Về câu hỏi này của phóng viên, ông Việt thừa nhận: Về nguyên tắc là không đúng nhưng đã được Ban bồi thường GPMB của huyện thời điểm đó chấp nhận…

Ngoài ra, theo người dân, trong quá trình đền bù GPMB để thực hiện Dự án đề-pô xe điện, trên cùng loại đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64/CP nhưng UBND huyện Từ Liêm (cũ) lại áp dụng chính sách cho mỗi địa phương, mỗi hộ gia đình khác nhau. Chẳng hạn, hộ ông Nguyễn Khắc Lượng (ở phường Tây Tựu, đã có Quyết định thu hồi đất của huyện Từ Liêm (cũ) số 6276/QĐ-UBND ngày 31-12-2007) nhưng không được đền bù đất dịch vụ và được đền bù theo đơn giá 108.000 đồng/m2. Trong khi đó, hộ gia đình ông Nguyễn Long Thăng (ở phường Minh Khai) bị thu hồi đất theo Quyết định số 4636/QĐ-UBND ngày 29-11-2007 của UBND huyện Từ Liêm (cũ) được chi trả từ 108.000 đồng/m2 lên 162.000 đồng/m2 sau khi khiếu nại. Giải thích về điều này, ông Lê Văn Việt cho biết, mặc dù cùng một dự án nhưng có sự chênh lệch đơn giá là do phê duyệt chi trả thành nhiều đợt và thời điểm thu hồi khác nhau nên áp dụng mức chi trả khác nhau…

Như vậy, những kiến nghị của người dân ở phường Tây Tựu về việc thiếu minh bạch trong đền bù GPMB tại Dự án đề-pô xe điện là có cơ sở. Việc bồi thường không công bằng giữa các hộ dân không chỉ khiến họ thiệt thòi mà còn gây bức xúc đối với dư luận. Bên cạnh đó, việc "tạo điều kiện" để một số hộ gia đình được hoán đổi diện tích rồi nhận bồi thường GPMB là sai quy định và gây những hệ lụy phức tạp trong quản lý đất đai tại địa phương. Đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết các khúc mắc nói trên, sớm trả lời cho công luận và nhân dân được biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khúc mắc trong bồi thường Giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.