Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khúc mắc của người lao động cần được giải đáp

Vũ Minh| 27/05/2010 06:55

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới đăng bài "Công ty cổ phần Liên hợp thực phẩm, quận Hà Đông: Vì sao 60 công nhân phải nghỉ việc" (ngày 17-3-2010), mối quan hệ giữa lãnh đạo Công ty và người lao động vẫn căng thẳng, công nhân tiếp tục căng biểu ngữ đề nghị Công ty phải sắp xếp việc làm và làm rõ những thắc mắc của người lao động.

                                   Trụ sở Công ty cổ phần Liên hợp thực phẩm.

Công ty cổ phần Liên hợp thực phẩm (Công ty) được cổ phần hóa từ năm 2005 với 297 cán bộ, công nhân viên. Sau khi cổ phần, một số dây chuyền sản xuất bia của Công ty được thay máy mới, trị giá hơn 7 tỷ đồng, nhưng cũng không giúp sản xuất phát triển, vì đầu tư thiếu đồng bộ. Năm 2008, Công ty phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để trả các khoản nợ, tăng sức mạnh tài chính, tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, sau khi trả các khoản nợ, bù lỗ các năm trước (năm 2007, 2008, Công ty lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng) và giải quyết chế độ mất việc cho 76 công nhân, thì số vốn còn lại không đủ kích thích sản xuất phát triển, nên một lần nữa Công ty huy động thêm vốn từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Có vốn, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã đề ra chiến lược dài hạn, bổ sung các ngành nghề như: Cho thuê văn phòng, kinh doanh bất động sản, vận tải hàng hóa ven biển, viễn dương… Cuối năm 2009, HĐQT đã có nghị quyết dừng sản xuất bia chai do sản phẩm không tiêu thụ được và sau khi bàn giao diện tích đất bị thu hồi mở rộng đường Tô Hiệu cho chính quyền quận Hà Đông, Công ty sẽ giải quyết chế độ mất việc làm cho 60 lao động ở 2 bộ phận: tổ sản xuất bia chai và quầy dịch vụ. Thế nhưng, tất cả lao động đều không đồng tình và gửi đơn đến các cấp, các ngành đề nghị được can thiệp, giải quyết. Chị Lưu Thị Thơm, một trong những công nhân phải nghỉ việc bức xúc: Sau khi bị thu hồi đất phục vụ việc mở rộng đường Tô Hiệu, Công ty vẫn có thể bố trí các quầy dịch vụ trên diện tích còn lại. Hơn nữa, mảnh đất "vàng" của Công ty tại số 267, đường Quang Trung, quận Hà Đông có nguy cơ biến thành một dự án bất động sản (?). Mặt khác, Công ty cũng đã mua 26% cổ phần của Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tây (cũ), với mục đích chuyển địa điểm của phân xưởng sản xuất bia về đó. Vậy hà cớ gì mà Công ty lại gạt người lao động, nhất là các cổ đông ra đường?

Trong buổi làm việc giữa phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo Công ty và đại diện người lao động, ông Trần Văn Công, Chủ tịch HĐQT khẳng định: Từ ngày 12-5-2010, 59 lao động (1 người đang nghỉ chế độ) đã được bố trí việc làm và các quầy dịch vụ sau khi bị thu hồi đất sẽ được xây dựng lại, chuyển dịch vị trí vào phía trong… Tuy nhiên, nhiều công nhân tiếp tục phản ánh về một số vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn, đầu tư máy móc của doanh nghiệp. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm trước, Công ty đã đầu tư số tiền không nhỏ để mua máy móc, nhưng khi sản xuất thì máy thường xuyên bị hỏng hóc và không đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường, đến nay vẫn "đắp chiếu". Một số công nhân cho rằng, sản xuất không hiệu quả là do việc đầu tư mua sắm máy móc đã bị lãnh đạo Công ty khai khống so với giá trị thực và vốn của cổ đông đã bị lạm dụng, trục lợi cá nhân. Về vấn đề này, ông Trần Văn Công lý giải: Việc mua sắm máy móc là do đội ngũ lãnh đạo cũ thực hiện, nên không nắm được; còn việc sử dụng đồng vốn thuộc về chiến lược kinh doanh, không thể tiết lộ...

Có thể thấy, quyền lợi của người lao động của Công ty cổ phần Liên hợp thực phẩm phần nào đã được bảo đảm, song để ổn định được sản xuất, đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, xác minh và có câu trả lời thỏa đáng cho công nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khúc mắc của người lao động cần được giải đáp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.