(HNM) - Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến không ít công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động…
Theo Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Hồng Quang, dịch bệnh khiến không ít công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất phải tạm nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1, trong đó, thành phố Hải Phòng có trên 42.000 lao động, tỉnh Bắc Giang 22.000 lao động…
Tại Hà Nội, số công nhân lao động nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng đột biến (khoảng 20% tổng số lao động) nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đến nay, tại các khu công nghiệp, chế xuất của thành phố có 1.628 ca; 919 doanh nghiệp có đoàn viên, công nhân lao động là F0.
Để tạo động lực cho người lao động, các cấp Công đoàn đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc đời sống công nhân trong quá trình điều trị bệnh. Đơn cử, Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang phát động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia đợt vận động “Ủng hộ khẩn cấp công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”…
Ngoài sự hỗ trợ của địa phương giúp người lao động các F0, F1, đến nay, thành phố Hải Phòng có 548 lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15-12-2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Còn ở Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố đã chi gần 41,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho 71.225 người lao động, trong đó hỗ trợ 1.610 công nhân lao động là F0. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chi hơn 41,2 tỷ đồng để hỗ trợ 84.279 người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ an toàn Covid-19”. Các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê 30-100% cho người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng kể từ đợt dịch lần thứ tư năm 2021 đến nay.
Ở từng đơn vị, cũng có khá nhiều cách làm sáng tạo để một mặt ngăn chặn dịch, mặt khác động viên tinh thần người lao động. Kể từ khi bùng dịch Covid-19, Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun (Khu công nghiệp Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm), trên 600 công nhân lao động đang làm việc luôn duy trì việc test nhanh 100% đầu vào ca sáng, đêm cho người lao động. Vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, thay vì tập trung ăn uống, người lao động được nhận các suất ăn tại chỗ. Ban Chấp hành Công đoàn công ty cũng động viên tinh thần người lao động bằng các hoạt động như: Tặng khẩu trang; viên sủi vitamin C; nhu yếu phẩm cho người lao động…
Công đoàn Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất) tham mưu cho Ban Giám đốc công ty thay vì đi tham quan, nghỉ mát bằng ngày nghỉ và phần quà đến tay người lao động; bổ sung bữa ăn đặc biệt dành cho người lao động 1 lần/tháng, nghỉ hưởng 100% lương khi bị cách ly do dịch bệnh...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, bên cạnh chăm lo đời sống, giữ chân lao động F0, F1, cũng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời phục vụ cho công tác phân tích, dự báo cung - cầu lao động, góp phần ổn định nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn. Đây cũng là một trong những giải pháp để tổ chức Công đoàn làm tốt hơn sứ mệnh chăm lo người lao động, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của Công đoàn về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.