(HNM) - Phường Hoàng Văn Thụ có 19 ao công, ao nông nghiệp (NN). Theo quy hoạch tỷ lệ 1/2000 của quận Hoàng Mai đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, hầu hết ao công, ao NN trên địa bàn phường được quy hoạch thành đất ở đô thị, đường giao thông, cây xanh…
Sau khi san lấp ao Cá Con, nhiều hộ đã dựng lều tạm, kinh doanh vật liệu xây dựng. |
Ao Ba Sào, ở tổ dân phố 22, là điển hình trong vi phạm đất đai và TTXD tại phường Hoàng Văn Thụ. Ao này trước đây do HTXNN Thanh Mai quản lý, sử dụng, nay là UBND phường Hoàng Văn Thụ quản lý. Do một thời gian dài bị buông lỏng quản lý nên ao Ba Sào đã bị các hộ dân chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo bản đồ địa chính năm 1990 và báo cáo của UBND phường Hoàng Văn Thụ, ao Ba Sào thuộc thửa đất số 20, diện tích 990m2. Từ năm 1996 trở về trước, các hộ dân đã tự ý san lấp. Đến năm 2000, một số hộ bắt đầu xây dựng nhà ở. Hiện tại, trên diện tích ao có 7 công trình nhà cấp bốn, diện tích còn lại là đất trống. Bất bình trước hành vi vi phạm pháp luật về đất đai tại ao Ba Sào, người dân địa phương đã làm đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và có Thông báo kết luận số 299/TB-UBND ngày 18-10-2011, chỉ rõ: "UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo UBND phường Hoàng Văn Thụ thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định, xây dựng phương án quản lý, sử dụng theo đúng Luật Đất đai…". Tuy nhiên, đến nay UBND quận Hoàng Mai và phường Hoàng Văn Thụ vẫn chưa thực hiện mặc dù UBND TP đã có nhiều công văn đôn đốc.
Ông Trịnh Văn Khánh, Phó phòng TN&MT quận Hoàng Mai cho biết: Thực hiện Thông báo số 299, UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo phường Hoàng Văn Thụ có trách nhiệm khôi phục mốc giới, đo đạc hiện trạng khu ao Ba Sào phục vụ cho việc quản lý. Trên cơ sở mốc giới khôi phục, phường có trách nhiệm thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm TTXD đối với các công trình xây dựng trái phép trên đất ao, thu hồi đất về phường quản lý. Tuy nhiên, đến nay UBND phường Hoàng Văn Thụ vẫn chưa thực hiện.
Lý giải về sự chậm trễ trên, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Nguyễn Tiết Cương cho biết, do các hộ đổ đất lấn chiếm từ rất lâu, nay đã ở ổn định, nên việc xử lý rất khó khăn. Hiện tại, phường đang phối hợp với đơn vị liên quan để khôi phục lại mốc giới, tuy nhiên do chưa có kinh phí nên địa phương chưa thể thực hiện được (?). Theo quy hoạch của quận Hoàng Mai đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, khu đất ao Ba Sào sẽ được trồng cây xanh và hồ điều hòa, do vậy để xử lý vi phạm và quản lý hiệu quả khu đất, phường đã có báo cáo quận và thành phố, đề nghị sớm triển khai các dự án theo quy hoạch.
Tương tự, ao Cá Con (diện tích trên 7.000m2) tại khu Đồng Đế, tổ 49B, cũng bị người dân san lấp hết. Khảo sát của phóng viên Hànộimới tại ao Cá Con cho thấy, sau khi san nền, các hộ đã đóng cọc bê tông, phân lô, dựng lều lán kinh doanh VLXD… khiến cho tình hình trở nên phức tạp. Tìm hiểu được biết, trước đây, ao Cá Con do HTXNN Thanh Mai giao khoán cho 6 hộ xã viên. Năm 2007, 2008, một số hộ xã viên nhận khoán tiến hành đổ đất lấp ao và sau đó tái phạm nhiều lần. Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu các hộ khôi phục hiện trạng ban đầu nhưng các hộ không chấp hành. Đến năm 2009, việc đổ đất san lấp ao tiếp tục tái diễn với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng đó, năm 2010, UBND quận Hoàng Mai đã chỉ đạo UBND phường Hoàng Văn Thụ có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng, có biện pháp quản lý chặt chẽ ao, chống lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích. UBND phường Hoàng Văn Thụ cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ nhiều phương tiện, dụng cụ liên quan đến việc đổ đất trái phép tại ao; xây dựng tường rào xung quanh ao, chôn một khối bê tông lớn trước lối ra vào ao để chống việc san lấp… Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương, các hộ xã viên vẫn thách thức pháp luật.
Không chỉ có hai ao trên, phường Hoàng Văn Thụ còn rất nhiều ao công, ao NN khác đã bị san lấp toàn phần như ao Chuôm, ao Bô, ao Đông Vân, ao Công… Đáng nói, việc người dân ngang nhiên san lấp các ao trên địa bàn đã và đang gây bất bình trong dư luận nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để. Theo thông tin PV Hànộimới thu thập được, sau khi san lấp ao, không ít hộ đã chuyển nhượng trao tay mà chính quyền không biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.