(HNM) - Thời gian gần đây, thị trường tiền tệ đang có biểu hiện không bình thường. Người gửi tiền tiết kiệm luôn có thói quen gửi ngắn hạn, một vài tháng, thậm chí một vài tuần, bỗng nhiên lại muốn gửi đến 24 tháng, 36 tháng do các "chiêu" khuyến mãi, tặng quà của ngân hàng (NH).
Sự không bình thường này dẫn đến những không bình thường khác là vốn huy động trung - dài hạn của NH vốn ì ạch, nay lại có xu hướng tăng. Nhiều NH không muốn cho các doanh nghiệp (DN) vay ngắn hạn, mà chỉ lo cho vay trung - dài hạn. Bởi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các NH thương mại được áp dụng lãi suất thỏa thuận khi cho vay vốn trung - dài hạn, nhưng vẫn bắt buộc NH phải thực hiện trần lãi suất khi cho vay ngắn hạn và trên thực tế các NH vẫn cho các DN vay ngắn hạn, chỉ có khác là tiền vay ngắn hạn ấy đã được "núp" dưới hình thức trung - dài hạn để được hưởng lãi suất thỏa thuận.
Giao dịch tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: Huyền Linh |
Ngân hàng phải "lách" khi cho vay?
Có nhiều thuận lợi giúp các NH "lách", biến việc cho vay "ngắn" hạn thành cho vay "dài" hạn. Điều đáng nói là những thuận lợi ấy được hình thành từ cơ chế trần lãi suất. Trần lãi suất huy động đã tạo ra mặt bằng lãi suất huy động xoay quanh 10,499%/năm cho các kỳ hạn, từ một tuần đến 36 tháng. Khách hàng gửi tiền 3 tháng, nhưng NH khuyến khích gửi kỳ hạn 24-36 tháng với cam kết rút bất kỳ lúc nào vẫn được hưởng lãi suất theo thời gian thực tế. Vì vậy, gửi dài hạn, nhưng thực ra lại là ngắn hạn. Rồi khách hàng gửi không kỳ hạn với lãi suất tới 9%/năm, khi nào rút vẫn được tính lãi suất trên theo thời gian thực tế gửi... Vậy, vì sao NH phải biến tiền gửi ngắn hạn của khách hàng thành tiền gửi dài hạn? Phải chăng đây là cách NH "lách" để có vốn cho vay (?!). Có không ít NH biện hộ rằng, sự chuyển "ngắn" thành "dài" này là việc làm bất đắc dĩ, nhưng là cần thiết để khơi thông dòng vốn(?!). Thậm chí, có NH còn cho rằng, các NH phải "lách" khi cho vay, vì họ cho rằng thà để tiền trong kho còn hơn cho vay ngắn hạn theo trần lãi suất 12%/năm (?!). Vì, với cách cho vay như trên chỉ ngang với mức lãi suất mà NH trả cho người gửi tiền (gồm 10,499% cộng với các khoản khuyến mãi, thưởng...) và như vậy NH chịu lỗ phần chi phí khoảng 3%.
Được biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề nghị phải bỏ trần lãi suất, cả huy động lẫn cho vay để khai thông dòng vốn. Nghị quyết của Chính phủ cũng "mở đường" để bỏ trần lãi suất vay ngắn hạn. Nhưng, có lẽ thay vì phải thực hiện đồng bộ những yêu cầu trên, NHNN lại chỉ bỏ trần lãi suất cho vay trung - dài hạn đã làm méo mó hoạt động huy động, cũng như cho vay vốn ngắn hạn. Các chuyên gia cảnh báo, nếu cứ cho "dài" buộc "ngắn", NH phải "lách", sẽ dẫn đến những hệ quả xấu, đó là hạch toán của NH không phản ánh đúng thực chất các khoản vay và gửi; những con số thống kê không chuẩn sẽ lầm tưởng DN gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất, nhưng thực chất chỉ là những khoản vay ngắn hạn thông thường... Với việc các NH lắt léo biến "ngắn" thành "dài", những thua thiệt DN chịu?
Nỗi lo của doanh nghiệp
Khi chính sách mới có hiệu lực, với các khoản vay cũ, các điều khoản trong hợp đồng được tôn trọng hoặc do hai bên thỏa thuận xem xét lại. Với các khoản vay mới, các NH thực hiện cơ chế mới. Về chính sách lãi suất cho vay, đại diện các NH giải thích, việc tính lãi suất cho vay dựa trên mức độ rủi ro của từng khách hàng, việc kinh doanh của NH và một số yếu tố liên quan khác. Mỗi khoản vay thương mại đều có một mức độ rủi ro khác nhau dẫn đến mức lãi suất khác nhau hợp lý với từng mức độ rủi ro. Nay có cơ chế mới, vẫn còn rào cản ở các khoản vay ngắn hạn, nhưng các NH đã có con đường rộng hơn trong hoạt động cho vay. Nhưng đây cũng là điều mà không ít DN lo ngại có những biến động trong tương lai, ảnh hưởng đến chi phí, yêu cầu ổn định và chủ động trong sản xuất kinh doanh của DN. Đại diện các DN cũng cho rằng, về lý thuyết việc bỏ trần lãi suất trong hoạt động cho vay là phù hợp với yêu cầu chung, xuất phát từ thực tế của thị trường. Nhưng, điều đó chỉ hợp lý trong trường hợp hoạt động cho vay bình thường, bình đẳng giữa các DN. Trên thực tế, hoạt động cho vay vẫn có trường hợp không theo quy trình chung, mà chịu tác động bởi sự "lobby" của bên đi vay; hoặc không ít NH "chạy" theo những DN có độ sẵn sàng hơn với các mức lãi suất cao như đầu tư tài chính, bất động sản... sẽ dễ dẫn tới rủi ro, mất cân đối trong cơ cấu vốn với các ngành hàng khác. Được biết, đến ngày 31-3 các NH sẽ chốt lại các hạn mức tín dụng dự kiến trong năm với các khách hàng cụ thể. Với các DN cũng đang trong quá trình xây dựng các hạn mức chi phí đầu tư cho năm 2010. Song, với cơ chế mới này, các DN sẽ không được bảo vệ bởi quy định trần lãi suất, việc hoạch định chi phí và vốn vay sẽ phải tính toán lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thiếu tính chủ động. Đáng ngại hơn, nếu lãi suất vay biến động, các DN sẽ dồn mọi chi phí vào giá thành sản phẩm, khi đó việc ảnh hưởng không chỉ còn ở mỗi DN (?!).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.