Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều hạn chế trong dịch vụ việc làm công

Kim Vũ| 29/03/2012 07:05

(HNM) - Hiện cả nước có 130 trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) đang được xem là dịch vụ việc làm công, trong đó 64 trung tâm trực thuộc các sở LĐ-TB&XH, 66 trung tâm trực thuộc các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và các ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất.

Dịch vụ việc làm công giữ vai trò quan trọng trong kết nối cung, cầu lao động, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện các chính sách thị trường lao động. Hình thức tổ chức dịch vụ này khá đa dạng từ hội chợ việc làm đến sàn giao dịch việc làm và được quan tâm, đầu tư ngày càng nhiều hơn của các bộ, ngành, địa phương...

Tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế như: cơ chế, chính sách, khung pháp lý và cơ cấu tổ chức hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm công còn bất cập; trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm còn yếu; năng lực hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), hoạt động dịch vụ việc làm tại Việt Nam được tổ chức theo đơn vị hành chính: các địa phương, tổ chức đoàn thể quản lý trực tiếp trung tâm GTVL, còn phía cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Bộ LĐ-TB&XH) thì lại không trực tiếp quản lý. Điều này khiến chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm phụ thuộc vào sự quan tâm của từng địa phương, bộ, ngành và tổ chức đoàn thể. Vì vậy, khi triển khai các chương trình đều gặp khó khăn và khó bảo đảm tính thống nhất vì phải qua khâu trung gian và mỗi địa phương tồn tại cơ chế và thủ tục khác nhau.

Mặt khác, những quy định về cấp phép cho doanh nghiệp dịch vụ việc làm và hoạt động của tổ chức GTVL hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Trong đó quy định DN hoạt động GTVL bắt buộc phải ký quỹ 300 triệu đồng. Vấn đề ở chỗ, số tiền này đóng băng trong ngân hàng, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp muốn hoạt động GTVL phải tìm cách hoạt động chui để tránh phải đóng tiền. Theo Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28-2-2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức GTVL, doanh nghiệp được phép mở chi nhánh nên các doanh nghiệp "liên kết" với nhau góp tiền ký quỹ để xin cấp phép một doanh nghiệp, sau đó mở các chi nhánh theo giấy phép đó và hoạt động độc lập với nhau. Đây chính là lỗ hổng pháp lý, cũng chính là những hạn chế gây nên những yếu kém của hệ thống GTVL ở Việt Nam.

Như vậy, cung cầu lao động vẫn chưa được kết nối để gặp nhau, trong khi đó nhiều vướng mắc trong xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm sẽ làm chậm quá trình kết nối này. Nhiều ý kiến cho rằng để dịch vụ việc làm công đi vào cuộc sống, cần bổ sung thêm trong dự thảo Luật Việc làm là nên tổ chức lại mô hình theo ngành dọc 4 cấp: cấp trung ương, cấp vùng, cấp tỉnh, thành phố và văn phòng tại quận, huyện KCN, KCX. Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế ILO Việt Nam cho rằng cần duy trì dịch vụ việc làm công miễn phí. Việt Nam có lượng lớn lao động di cư từ vùng này sang vùng khác nên cần chú ý hỗ trợ di chuyển lao động và thu thập, phân tích, cung cấp một cách hệ thống thông tin thị trường lao động cho các ứng viên và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa từng khẳng định sẽ có một bức tranh toàn cảnh về mô hình tổ chức dịch vụ việc làm công của Việt Nam. Nhưng trước khi có bức tranh toàn cảnh đó, Bộ sẽ phải làm rất nhiều động thái nhằm lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành liên quan, các chuyên gia quốc tế để đề xuất những nội dung cần điều chỉnh trong chương Dịch vụ việc làm của dự thảo Luật Việc làm sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hạn chế trong dịch vụ việc làm công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.