Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều gợi mở từ thương vụ để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Lam Giang| 30/09/2022 20:16

(HNMO) - Ngày 30-9, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9-2022.

Quang cảnh hội nghị tại Hà Nội.

Đây là kỳ hội nghị lần thứ 3 trong chuỗi chương trình hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng.

Hội nghị tập trung thông tin về những diễn biến mới nhất của tình hình thị trường các nước: Anh, Áo, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bulgaria, Trung Quốc, Pháp… cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây, thảo luận về những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị liên quan tới hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nước.

Tình hình tại các thị trường nói trên tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động phức tạp, khó lường do dịch bệnh, những bất ổn địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, lạm phát gia tăng… Nhiều nước đã có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước… đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt để bảo đảm hoạt động xuất khẩu thuận lợi.

Nhiều gợi mở đã được đại diện thương vụ tại các nước chia sẻ tại hội nghị. Ông Phạm Tuấn Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria cho biết, tuy thị trường Bulgaria có sức tiêu thụ thấp hơn Tây Âu nhưng đây là thị trường tiềm năng do yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã có phần dễ tính hơn. Nước này còn có cơ sở vật chất về kho ngoại quan, bãi chứa, nhà máy sơ chế hoặc đóng gói sản phẩm; đồng thời có các tuyến đường sắt, đường bộ thuận tiện cho việc tái phân phối hàng hóa đi khắp Bulgaria hoặc sang Tây Âu.

Còn bà Đặng Thị Hải Yến, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia cho hay, trong bối cảnh chi phí logistics tăng cao, hàng hóa Việt Nam vào Áo thường phải đi qua các nước khác như Hà Lan, Séc. Trong khi đó, Slovenia có cảng Koper, thành phố lớn thứ ba của nước này và là thành phố lớn nhất trên bờ biển Adriatic. “Cảng Koper là điểm gần nhất để vận chuyển đến Địa Trung Hải, và qua kênh Suez đến Trung Đông. Do vậy, các doanh nghiệp có thể tập hợp đơn hàng lớn để vận chuyển hàng hóa đường biển từ Việt Nam vào Áo và Slovenia với giá thành rẻ hơn”, bà Hải Yến nói.

Để mở rộng xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Ấn Độ (IIFT) do Tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ tổ chức tại New Delhi từ ngày 14-11 đến 27-11 và Hội chợ Indus Food về thực phẩm và đồ uống lớn nhất Ấn Độ, do Hội đồng Xúc tiến thương mại Ấn Độ tổ chức tại Hyderabad từ ngày 8-1 đến 10-1-2023.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau mỗi hội nghị, ban tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp gửi các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương để tích cực giải quyết, phúc đáp, hướng dẫn cụ thể, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều gợi mở từ thương vụ để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.