(HNM) - Hoạt động mại dâm diễn biến ngày càng phức tạp, khó phát hiện, nhận biết. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã tăng cường phòng, chống tệ nạn mại dâm bằng nhiều giải pháp linh hoạt.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gần đây, tệ nạn mại dâm có dấu hiệu tăng, biến tướng dưới hình thức như đi theo tour du lịch, nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby - sugar daddy)… Đối tượng tham gia hoạt động mại dâm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn...
Điều đáng quan tâm, trên phạm vi cả nước hiện có hơn 120.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, không loại trừ tệ nạn mại dâm đang hoạt động, tăng 1,12 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Ngọc Túy cho biết, hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát vì để phát hiện được phải có quá trình theo dõi sát sao của lực lượng liên ngành. Trong khi đó, việc nắm bắt tình hình của các cơ quan chức năng ở một số địa phương còn chậm, chưa có phương án giải quyết, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, triệt để với những địa bàn có tụ điểm phức tạp về mại dâm. Hơn nữa, nguồn lực dành cho công tác phòng, chống mại dâm ở nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu, có địa phương chưa bố trí được kinh phí cho việc triển khai các mô hình phòng, chống mại dâm dựa vào cộng đồng…
Để phòng, chống mại dâm, các cơ quan chức năng, địa phương thường xuyên kiểm tra những cơ sở dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, các tụ điểm, địa bàn có dấu hiệu phức tạp về mại dâm. Cùng với đó, các bên tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng, góp phần tạo “lá chắn” phòng, chống mại dâm từ cơ sở.
Đối với người từng tham gia hoạt động mại dâm, nhiều địa phương hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng bằng cách dạy nghề, tạo việc làm, để họ không trở lại con đường cũ. Dẫn chứng là, hiện có 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai và duy trì 114 điểm mô hình can thiệp, hỗ trợ những người từng tham gia hoạt động mại dâm. Ngoài ra, 17/63 tỉnh, thành phố triển khai mô hình nhằm bảo đảm quyền cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, để mỗi người hiểu rõ về quyền của họ.
Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát độc lập và liên ngành nhằm đánh giá toàn diện về tệ nạn mại dâm, lên phương án triệt xóa. 6 tháng đầu năm 2022, Công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 84 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; bắt giữ 360 đối tượng, xử lý hình sự 82 vụ, 92 đối tượng tội danh chứa mại dâm, môi giới mại dâm. Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các quận, huyện, thị xã kiểm tra 1.100 buổi ở gần 1.800 cơ sở, phát hiện 100 cơ sở vi phạm. Mô hình hỗ trợ những người từng bước chân vào con đường không đúng trở về được duy trì ở một số địa phương.
Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) Lê Văn Họa đánh giá, việc triển khai một số mô hình trợ giúp người từng bán dâm trở về trên địa bàn phường đã góp phần cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề cho hàng chục lượt người.
Là đối tượng được hỗ trợ, chị N.V.A, tạm trú tại phường Thịnh Liệt chia sẻ: “Nhờ kiến thức được trang bị, chúng tôi nhận ra, không có cách nào lập thân, lập nghiệp tốt hơn là phải có việc làm chính đáng. Vì thế, cá nhân tôi đã tránh xa con đường cũ, đi học nghề may mặc. Khi tay nghề vững, tôi sẽ mở một cửa hàng may nhỏ”.
Đặc biệt, theo Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH về tăng cường phòng, chống mại dâm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành, hoạt động này được các bên phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả hơn. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, đa số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm; 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, 60% người lao động trong các khu công nghiệp, 70% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.