Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp nhưng thiếu bền vững

Lâm Vũ| 15/09/2012 06:26

(HNM) - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP về "Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá", phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới... tỷ lệ hút thuốc ở thanh, thiếu niên Việt Nam trong thời gian qua đã giảm phần nào. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xu hướng giảm liệu có bền vững? Thạc sĩ Trần Thị Hồng, Viện Gia đình và Giới đã trao đổi với PV Hànộimới về vấn đề trên.

- Xin bà cho biết tình trạng hút thuốc lá của thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay?

- Số liệu điều tra mới nhất đối với 10.044 người trong độ tuổi 14-25 ở 63 tỉnh, thành phố cho thấy khoảng 15% trong số đó đang hút thuốc. Nếu tính cả những người đã từng hút thì tỷ lệ này còn cao hơn - khoảng 20,4%. Trung bình một thanh, thiếu niên hút 8,4 điếu/ngày. So sánh với số liệu điều tra trước đó thì tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc giảm khoảng 1%, nhưng nếu so sánh với mục tiêu của các chương trình quốc gia về phòng chống thuốc lá thì tỷ lệ nói trên vẫn còn rất cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi hút thuốc của thanh, thiếu niên đang được thực hiện chủ yếu là tuyên truyền thay đổi hành vi, trong khi các quy định liên quan đến việc thực thi biện pháp xử phạt hầu như chưa được thực hiện. Ví dụ, theo Quyết định số 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-8-2009 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá thì hành vi hút thuốc nơi công cộng có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng/lần. Tuy thế, văn bản không quy định rõ ràng đối tượng nào tham gia xử phạt.

Cần có thêm nhiều hình thức tuyên truyền, vận động trong công tác phòng chống hút thuốc lá với thanh, thiếu niên. Ảnh: Trọng Hải

- Những yếu tố nào tác động đến việc hút thuốc của thanh, thiếu niên, thưa bà?

- Có nhiều yếu tố như là tò mò, vì muốn chứng tỏ mình, do quá căng thẳng, thấy bạn bè đều hút và cho rằng, như thế mới là sành điệu. Đặc trưng tâm lý lứa tuổi của thanh, thiếu niên là muốn thể hiện bản thân trước nhóm bạn, do đó ảnh hưởng của nhóm bạn có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thanh niên hút thuốc. Tôi lấy ví dụ, trong các buổi sinh nhật, đi chơi, thấy các bạn hút thì thanh, thiếu niên cũng phải thể hiện một chút để hòa đồng với các bạn. Điều đáng lưu ý là trong độ tuổi 14-25, một số người đã bắt đầu đi làm, có thể những áp lực khi tìm kiếm việc làm hay khó khăn trong công việc cũng dẫn đến hành vi hút thuốc lá. Dù không phải là nguyên nhân cơ bản nhưng với nhóm thanh, thiếu niên đi làm, việc hình thành các mối quan hệ mới trong công việc làm ăn, giao tiếp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hút thuốc.

- Tháng 6 vừa qua, Luật Phòng chống thuốc lá đã ra đời và đến năm 2013 sẽ có hiệu lực. Theo bà, trong thời gian tới tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc sẽ tăng hay giảm?

- Cùng với sự ra đời của Luật Phòng chống thuốc lá, Chính phủ sẽ có thêm những biện pháp tốt hơn để kiểm soát hành vi hút thuốc lá. Các biện pháp tuyên truyền sẽ rõ hiệu quả hơn sau khi có sự cải tiến về mặt phương pháp, như đưa ra thông điệp đáng sợ hơn trên vỏ bao thuốc lá. Những biện pháp trên cộng với xu hướng tỷ lệ này đang giảm, tôi nghĩ tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy mối liên hệ gia đình, sự gắn bó giữa cha mẹ con cái có tác động rất lớn đến việc hút hay không hút thuốc của thanh, thiếu niên. Dự báo của giới khoa học về mối quan hệ gia đình đang có xu hướng ngày càng lỏng lẻo, vai trò của nhóm bạn tăng lên, điều đó có thể làm tăng nguy cơ hút thuốc ở giới trẻ. Bởi vậy, nếu tỷ lệ này có giảm thì mức giảm không nhiều.

- Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, số người chết vì thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết vì HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông. Giải pháp cho vấn đề có thể là gì, thưa bà?

- Khi đã xác định nguyên nhân cơ bản thuộc về vấn đề tâm lý lứa tuổi, định hướng lối sống của thanh, thiếu niên và vai trò của nhóm bạn thì theo tôi, với mỗi nhóm thanh, thiếu niên khác nhau chúng ta cần áp dụng biện pháp khác nhau. Như đối với nhóm còn đi học, trong trường học đã có nội quy, những bài giảng về đạo đức cũng như thông tin về tác hại của việc hút thuốc lá, nhưng chưa nhiều, nay cần lồng ghép thêm các chương trình giáo dục lối sống. Với nhóm đã nghỉ học, cần tập trung định hướng hành vi thông qua việc phát huy vai trò của đoàn thể. Ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, có thể cha mẹ góp ý không hiệu quả bằng bạn bè nói, do đó cần tăng cường vận động cả nhóm cùng hành động đúng. Để có được điều đó thì cần xây dựng mô hình “câu lạc bộ không hút thuốc lá”, mục tiêu là tạo cơ hội để các thành viên giao lưu, vận động nhau nói không với thuốc lá.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp nhưng thiếu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.