Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp ngăn ngừa nạn mua bán người

Minh Vũ| 31/07/2021 07:16

(HNM) - Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước thực trạng này, các ngành, địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa nạn mua bán người, nhất là vào dịp Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7).

Sản phẩm truyền thông hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người của Tổng đài điện thoại quốc gia 111.

Chủ động ngăn ngừa

Theo thống kê, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 6-2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra 52 vụ mua bán người, mua bán trẻ em với 111 nạn nhân bị lừa bán, qua đó bắt giữ 111 đối tượng, khởi tố 52 vụ án với 107 bị can. Nạn nhân bị mua bán qua biên giới chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là sang Trung Quốc (chiếm hơn 75%), phần lớn là phụ nữ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, thậm chí hứa hẹn giới thiệu việc làm tốt, thu nhập cao..., sau đó lừa bán nạn nhân. Thủ đoạn mua bán người mới xuất hiện được cơ quan điều tra chỉ rõ là các đối tượng dụ dỗ phụ nữ mang thai hộ cho người nước ngoài, vì mục đích thương mại hoặc tìm kiếm phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sắp đến ngày sinh, đưa nạn nhân ra nước ngoài sinh con, rồi lừa bán. Nạn nhân của các vụ việc chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn…

Chung tay ngăn ngừa nạn mua bán người, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã quán triệt sâu rộng Kế hoạch số 113/KH-UBND, ngày 29-4-2021 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Các cơ quan chức năng đề ra mục tiêu bảo đảm 100% tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.

Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Hằng năm, Hà Nội mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn thành phố, để tập trung sự chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do...

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7), dịp này, đội ngũ báo cáo viên của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã tổ chức tập huấn về nội dung phòng, chống mua bán người cho người dân ở một số địa phương. Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Quan tâm hỗ trợ nạn nhân trở về

Song song với việc triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa, các cơ quan chức năng còn quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ có điều kiện, cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức cho biết, nhiều nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về không có giấy tờ tùy thân, không khai báo, không hợp tác, khiến các lực lượng chức năng gặp khó khăn trong xác minh, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho nạn nhân. Hơn nữa, họ thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần, thậm chí có những người bị mất trí nhớ, nghiện rượu, ma túy...

Để hỗ trợ nạn nhân, các cơ quan chức năng thành phố có nhiều chính sách, giải pháp trợ giúp cho họ cả về vật chất, tinh thần. Cụ thể, nạn nhân của mua bán người là đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ một phần chi phí học tập. Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp sẽ được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Không may nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị, thì chi phí khám, chữa bệnh được thực hiện theo chính sách bảo hiểm y tế… Một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đưa về sống tại “Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, địa chỉ tại đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ).

Cùng với các cơ quan chức năng, trong những năm vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân cũng chung tay hỗ trợ nạn nhân. Chẳng hạn, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) - tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, nạn nhân của nạn mua bán người tại Việt Nam đã giải cứu và hỗ trợ thành công cho một số trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn Hà Nội. Chị H.T.T chia sẻ: “Sau khi học nghề làm bánh với sự hỗ trợ của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, tôi đã có việc làm với thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống dần thay đổi theo hướng tích cực”.

Việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng qua Tổng đài điện thoại quốc gia 111 và qua Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) với số liên hệ 02433.525.662 hoặc 0912.902.611 cũng được phổ biến đến đông đảo người dân. Các dịch vụ này trực tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bị mua bán 24/24 giờ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp ngăn ngừa nạn mua bán người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.