Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Minh Ngọc| 17/10/2021 06:13

(HNM) - Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 (từ hôm nay, ngày 17-10 đến 18-11), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác giảm nghèo trên địa bàn Thủ đô. Theo đồng chí Bạch Liên Hương, thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực cho người nghèo vươn lên.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương.

Đa dạng hình thức trợ giúp

-  Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tạo “đòn bẩy” cho hộ nghèo vươn lên bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều chính sách của Trung ương và Hà Nội được thực hiện đã trợ giúp hàng triệu lượt người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về việc này?

- Ngoài những chương trình khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, Hà Nội luôn tạo nhiều cơ hội thuận lợi và trao nguồn sinh kế cho người nghèo vươn lên. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 100.000 lao động thuộc các đối tượng chính sách. Sau học nghề, gần 90% lao động đã có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn. Hàng nghìn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà....

Với quan điểm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau, thành phố chi trả trợ cấp hằng tháng kịp thời cho hơn 184.000 đối tượng bảo trợ xã hội sống ngoài cộng đồng và nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, thành viên thuộc hộ nghèo còn được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên về y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin... Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, thành viên thuộc hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, người khuyết tật nặng, trẻ em mồ côi bố hoặc mẹ,... được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù, bằng mức chuẩn nghèo của Hà Nội. Hiện tại, toàn thành phố có hơn 7.700 người đang thụ hưởng.

Về các chính sách hỗ trợ của Trung ương và Hà Nội trong đại dịch Covid-19, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 3,3 triệu lượt người dân, người lao động, người sử dụng lao động... bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh, với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Một chính sách chưa có tiền lệ khác là hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng đang được các bên liên quan nghiêm túc triển khai, đã tiếp sức cho người lao động và gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Giải pháp có tính đột phá và mang tính lâu dài được thành phố Hà Nội triển khai để hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là đưa Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” vào đời sống. Là cơ quan thường trực, xin đồng chí cho biết việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình này?

- Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU, các sở, ngành, địa phương của thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện và triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho 83.000 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay ưu đãi; trong đó có 53.100 lượt khách hàng vay vốn chương trình giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho 58.000 lao động… Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 139 phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 5.000 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với hơn 80.000 người ứng tuyển... Trong 9 tháng năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 117.000 lao động, đạt 73% kế hoạch.

Các cơ quan chức năng cũng quan tâm phát triển, mở rộng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người nghèo được tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,14% dân số; số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 34,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, ngày 23-9-2021, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội. Ngoài những đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định chung, Hà Nội bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng đặc thù được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 7 nhóm đối tượng đặc thù được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội...

Nhờ các giải pháp đột phá, toàn diện kể trên, đến nay, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo và có 15/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo theo cách tính chuẩn nghèo hiện hành.

Cuối năm 2025, thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới

- Từ ngày 1-1-2022, cùng với cả nước, Hà Nội sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, cao hơn nhiều so với mức hiện nay và cao hơn chuẩn nghèo chung. Những thay đổi này cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

- Hiện tại, chuẩn nghèo ở Hà Nội là có thu nhập bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Còn theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5-9-2021 của UBND thành phố quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, thì chuẩn nghèo là có thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn, từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị.

Với mức chuẩn mới, ước tính, thời điểm cuối năm 2021, thành phố có khoảng 93.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có khoảng 65.100 hộ nghèo, tương ứng với khoảng 4-5% tổng số hộ dân, bằng với tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ 2016-2020. Thực tế này đặt ra không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng và cộng đồng trong quá trình thực hiện mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

- Để kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới, theo đồng chí, cần tập trung vào những giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, các bên liên quan cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; thực hiện các giải pháp, mô hình hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Với đối tượng không có khả năng thoát nghèo, cách tốt nhất là vận động xã hội hóa để trợ giúp trực tiếp cho họ có cuộc sống trên mức chuẩn nghèo.

Giải pháp lâu dài là các sở, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động để họ chủ động nắm bắt, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp. Việc mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân cũng cần được tiếp tục quan tâm...  

- Vậy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ làm gì để góp phần nâng cao hiệu quả giảm nghèo, thưa đồng chí?

- Trước mắt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố theo chuẩn nghèo mới, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng hoạch định chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Sở cũng tham mưu với UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua đề án thực hiện các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2022-2025. Cùng với đó, sẽ khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu và tổ chức dạy nghề đúng đối tượng...

Với nhiều giải pháp triển khai linh hoạt, đồng bộ, tôi tin tưởng rằng, hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Hà Nội sẽ tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hỗ trợ giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.