(HNM) - Sáng 1-9, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) Thủ đô. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng quà cho các nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ Thủ đô.Ảnh: Viết Thành |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố có khoảng 1.350 làng nghề, chiếm 26,5% tổng số làng nghề cả nước. Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nghiệp tư nhân... Cơ cấu lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 75-85% tổng số lao động. Thành phố đã hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hầu hết doanh nghiệp làng nghề đã sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tính đến giữa năm 2016, ngân sách thành phố đã bố trí 170 tỷ đồng để phát triển nghề, làng nghề... Tại buổi gặp mặt, các nghệ nhân cũng kiến nghị thành phố cho xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm tiêu biểu, đào tạo truyền nghề, tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận vốn, quản lý thương hiệu...
Đánh giá cao sự đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi TCMN, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội. Thành phố chú trọng việc khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhất là cho khu vực nông thôn, để nhân dân yên tâm sản xuất, với tinh thần “ly nông bất ly hương”.
Tuy nhiên, Bí thư Hoàng Trung Hải bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề còn thấp. Năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một số nhóm nghề TCMN phát triển manh mún. Nhiều nghề, làng nghề đang dần mai một do các nghệ nhân có xu hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề. Nguyên liệu sản xuất thiếu, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong truyền nghề chưa chặt chẽ. Năng lực thiết kế mẫu mã, hiểu biết về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội hạn chế nên chưa hiểu rõ giá trị của việc truyền tải những nét văn hóa truyền thống dân tộc trong các sản phẩm TCMN…
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các làng nghề TCMN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, hoạt động tôn vinh, khuyến khích nghệ nhân đào tạo, truyền nghề, thiết kế mẫu mã để bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa của dân tộc và nghề truyền thống. Ngoài các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho nghệ nhân, thành phố sẽ huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa - xã hội.
Thành phố khuyến khích các làng nghề, nghệ nhân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tập trung nguồn lực, khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề có tiềm năng, thế mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.