(HNM) - Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, người có HIV dần cải thiện sức khỏe, ổn định đời sống; giảm dần nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.
Quan tâm đến người có HIV
Đến thời điểm này, Hà Nội là số ít địa phương chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung trẻ em có HIV mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng. Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) là ngôi nhà chung của các cháu, hiện có hơn 70 trẻ đến từ Hà Nội và nhiều địa phương khác. Tại đây, các cháu được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, uống đủ thuốc điều trị đến việc học tập, định hướng nghề nghiệp theo hình thức gia đình thay thế.
Lớn lên trong gia đình thứ hai, nhiều trẻ có HIV dần khôn lớn, trưởng thành. Cháu H.T.D cho biết: “Sau này, cháu muốn trở thành cô giáo dạy trẻ có HIV. Thực hiện ước mơ này, cháu luôn phấn đấu học tập tốt. Nếu thành công, cháu sẽ lấy bản thân làm thông điệp chuyển tải niềm tin vào cuộc sống, tương lai đến những người có HIV”. Còn cháu L.M.L chia sẻ: “Cháu yêu thích những công việc liên quan đến máy tính, nên được các bố, mẹ định hướng học công nghệ thông tin. Với chương trình học văn hóa song song với học nghề, chỉ vài năm nữa, cháu sẽ có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.
Từ kinh nghiệm chăm sóc, điều trị cho trẻ em có HIV, chị Hồ Thị Thu Chín, cán bộ y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho hay, nếu được chăm sóc đúng cách, uống thuốc điều trị đều đặn, trẻ có HIV vẫn sống khỏe mạnh, đủ khả năng hòa nhập xã hội. Trên thực tế, một số cháu lớn lên từ ngôi nhà chung dành cho trẻ có HIV đã trưởng thành. Điển hình là cháu N.Đ.Đ, đang học năm thứ ba đại học; hay N.T.T đã có việc làm ổn định. Nhiều trường hợp khác đang học trung học phổ thông song song với học nghề tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.
Đối với trẻ có HIV sống ngoài cộng đồng, các cháu cũng được chăm sóc thường xuyên về y tế, giáo dục. Còn với người lớn, 100% số người có HIV được khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), giúp họ phục hồi hệ thống miễn dịch, tránh được các nhiễm trùng cơ hội, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác... Thậm chí, để thu hút người có HIV đi điều trị, thành phố Hà Nội còn có chính sách thưởng tiền cho những tổ chức, cá nhân vận động họ tiến hành điều trị lần đầu và cả những lần kế tiếp.
Những người cần vốn tạo dựng cuộc sống sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là giải pháp hiệu quả giúp người có HIV vượt qua tâm lý tự ti, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.
Phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đến nay, lũy tích số người có HIV trên địa bàn thành phố là hơn 29.000 người, trong đó có hơn 23.000 người còn sống. Số người có HIV phát hiện mới trong những tháng đầu năm 2020 là hơn 600 người, chủ yếu là nam giới... Điều đáng nói, 99,5% xã, phường, thị trấn ở tất cả các quận, huyện, thị xã đã phát hiện người có HIV. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không kiểm soát, phòng, chống tốt, nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng là rất lớn.
Trước thực trạng này, các địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Chẳng hạn, quận Hai Bà Trưng vừa kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng, tránh. Đến nay, các lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng đã truyền thông gần 15.000 lượt cho nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS và nhóm thanh, thiếu niên; duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng, thu hút 90% số người có HIV trên địa bàn tham gia. Quận Thanh Xuân đã vận động nguồn lực xã hội hóa gây “Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm”, trong đó có HIV/AIDS, nhằm hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống.
Trên phạm vi toàn thành phố, việc phòng, chống HIV/AIDS được triển khai đồng thời theo nhiều hướng, đó là truyền thông, can thiệp, dự phòng, chăm sóc điều trị... Vì thế, các hoạt động truyền thông đang được đẩy mạnh. Riêng tháng 6 vừa qua, các lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 8.000 lượt truyền thông. Hoạt động can thiệp cũng được tăng cường thông qua chương trình phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí.
Đối với công tác xét nghiệm phát hiện HIV, hiện nay, thành phố duy trì 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, đồng thời cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV cho 11 cơ sở y tế (6 bệnh viện thành phố và 5 trung tâm y tế quận, huyện). Việc chăm sóc điều trị HIV/AIDS được quan tâm khi 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật; 100% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV được điều trị ARV trong quá trình điều trị lao...
Với những giải pháp đã, đang triển khai, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tin tưởng, công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ đạt mục tiêu 90-90-90 trong tương lai gần (90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người có HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.