Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp "hạ nhiệt" thị trường nhiên liệu khí

Thanh Hải| 06/01/2020 07:12

(HNM) - 80% sản lượng khí tiêu thụ tại thị trường Việt Nam dành cho phát điện. Tuy nhiên, theo dự báo, từ năm 2020, thị trường nhiên liệu khí sẽ rất căng thẳng do sản lượng khai thác khí của Việt Nam giảm mạnh, dẫn đến thiếu sản lượng cho sản xuất điện. Khắc phục điều này, ngành Điện đã đề ra các giải pháp "hạ nhiệt" thị trường nhiên liệu khí, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Việt Nam hiện có 7.200MW điện khí. Việc phát triển nhiệt điện khí được đánh giá là rất cần thiết, bảo đảm được sự đa dạng các nguồn nhiên liệu sơ cấp; tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Theo ông Đoàn Hồng Hải, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khí sẽ vào khoảng 19.000MW, tương ứng với việc sẽ sử dụng 22 tỷ mét khối khí cho phát điện.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung này ngày càng cạn kiệt. Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, trung bình hằng năm sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện là 7,96 tỷ mét khối, chưa đáp ứng được nhu cầu huy động tối đa của các nhà máy. Nhu cầu khí để vận hành tối đa các tổ máy điện trong khu vực Đông Nam Bộ là 23,9 triệu mét khối/ngày, khu vực Tây Nam Bộ là 6,4 triệu mét khối/ngày. Nếu tính tổng nhu cầu khí cho phát điện thì cần khoảng 30,3 triệu mét khối/ngày. Trong khi đó, từ giữa năm 2018, các mỏ lô 06.1 và 11.2 đã có hiện tượng suy giảm rõ rệt. Khả năng cấp khí từ nguồn khí khu vực Đông Nam Bộ chỉ đạt trung bình khoảng 16 triệu mét khối/ngày và Tây Nam Bộ chỉ đạt trung bình khoảng 3,97 triệu mét khối/ngày. Tổng lượng khí cung cấp được hiện nay đối với cả hai nguồn chỉ cấp được khoảng 20 triệu mét khối/ngày, so với mức nhu cầu là 30,3 triệu mét khối/ngày thì khả năng cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.

Nguyên nhân chính khiến ngành năng lượng đang phải đối mặt với thách thức, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, là do thủy điện, nguồn điện chủ lực lâu nay của Việt Nam đang gặp bất lợi bởi tình hình thủy văn không thuận; nhiều dự án năng lượng tái tạo được xây dựng nhưng còn khó khăn trong việc giải tỏa công suất do thiếu hệ thống truyền tải. Cùng với đó là tiến độ triển khai các Dự án khí lô B, Cá Voi Xanh chậm hơn so với dự kiến. Việc phát triển các dự án khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) rất phức tạp, cần phải đồng bộ giữa các khâu.

Khắc phục những khó khăn này và để bảo đảm cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3733/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020. Theo đó, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được bảo đảm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho EVN, PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc bảo đảm cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu.

Hiện tại, để vượt qua khó khăn, EVN và Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas) đã xây dựng các phương án cấp khí nhanh cho khu vực Đông Nam Bộ từ nguồn LNG. Trước mắt, để bảo đảm cung cấp điện trong năm 2020, EVN đã đề nghị PVGas duy trì cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ ở mức 18,38 triệu mét khối/ngày (tương tự như đã thực hiện trong năm 2019); đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas), bảo đảm lượng khí cấp cho các nhà máy điện Cà Mau - khu vực Tây Nam Bộ như hiện nay, ở mức khoảng 4,18 triệu mét khối/ngày. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo; tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu để bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp "hạ nhiệt" thị trường nhiên liệu khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.