(HNM) - Nhiều dự án ODA phát triển giao thông, đô thị trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do
"Tắc" khâu triển khai
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ cho phép được giãn thời hạn hoàn thành dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) đến cuối năm 2019. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới trên 11.200 tỷ đồng, bao gồm vốn vay ODA từ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh. Quá trình triển khai dự án đang bị kéo dài do công tác thiết kế kỹ thuật chậm. Dự án đi qua địa bàn nhiều quận, huyện có nền địa chất yếu nên kỹ thuật thi công phức tạp, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, cộng thêm quá trình thẩm định mất nhiều thời gian.
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh có nguy cơ chậm tiến độ. |
Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) bị chậm tiến độ do điều chỉnh thiết kế nền tảng và khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng, theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cũng khiến tiến độ dự án bị chậm lại.
Dự án giảm thất thoát nước, tăng cường và mở rộng mạng lưới cấp nước giai đoạn 2011-2015 do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân chính được cho là gói thầu quan trọng nhất của dự án (CW1 - tuyến ống nước sạch) bị "cắt đoạn" khiến thời gian phê duyệt lại kế hoạch đấu thầu kéo dài.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai 15 dự án có nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư gần 110.000 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 93.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tình hình giải ngân vốn ODA của các dự án còn chậm so với yêu cầu, chỉ mới đạt trên 45% kế hoạch vốn được giao. |
Vốn "chờ" dự án
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) hiện chỉ mới giải ngân khoảng 10% vốn. Còn dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng chỉ mới giải ngân được 6% dù dự án này đã được khởi công hạng mục depot Tham Lương từ tháng 8-2010. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA tại các dự án trọng điểm trên là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hiện hữu gặp nhiều khó khăn hoặc phải xử lý các công trình ngầm. Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều chỉnh hình thức đấu thầu.
Trước bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho hạ tầng ngày càng trở nên eo hẹp, TP Hồ Chí Minh đang phải "dựa" chủ yếu vào nguồn vốn ODA. Chỉ riêng ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, để thực hiện được quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, thành phố cần tới 2,6 triệu tỷ đồng. TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có các nguồn vay ưu đãi, nguồn vay nợ thì Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng rất khó phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn hiện nay.
Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng hạng mục của các dự án và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thực thi, nhất là ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án và ban quản lý dự án ODA thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi để thành phố quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi khác cho phù hợp với Luật Đầu tư công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.