(HNM) - Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, thế nhưng trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, không phải dự án nào cũng có đủ vốn để thực hiện được.
Dự án hầm Kim Liên và Xã Đàn vẫn còn 3 hộ chưa giải tỏa được do không xác định được nguồn gốc đất. Ảnh: Đàm Duy
Khó khăn về vốn là tất yếu trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công hiện nay. Do vậy, việc sử dụng vốn như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất là vấn đề hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng vốn đầu tư của Hà Nội vẫn bị phân tán, nơi có khả năng đầu tư, rất cần vốn thì lại không có vốn và ngược lại… Ví dụ huyện Gia Lâm thiếu khoảng 70 tỷ đồng thực hiện dự án đường 181 Hà Nội - Hapro, mặc dù có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội chấp thuận bổ sung số vốn này, nhưng việc chuyển vốn vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, theo ghi nhận của các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình 07 của Thành ủy, có 2-3 quận, huyện khác để kết dư hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản không giải ngân được. Như vậy, có thể thấy, việc điều hành vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thiếu linh hoạt, cơ chế điều chuyển nguồn vốn còn nhiều bất cập.
Hạn chế này khiến thành phố không tập trung được nguồn vốn cho các dự án mang tính cấp bách, cần ưu tiên hoàn thành trước, trong khi vẫn phải phân bổ vốn cho những dự án chậm triển khai hoặc những địa phương thực hiện kém. Chưa kể trong khoảng nửa năm thành phố bị bó buộc về điều hành vốn GPMB khi thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg (ngày 15-10-2011) của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ, phải ghi vốn theo kế hoạch, ghi theo từng dự án cụ thể. Trước đó, thành phố thực hiện điều hành vốn GPMB bằng cách gom về một mối và điều hành qua kho bạc đem lại hiệu quả rất tích cực trong việc phát triển hạ tầng. Với cơ chế này, dự án nào cấp bách, cần ưu tiên, thành phố có thể tập trung vốn cho GPMB dự án đó. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, trên cơ sở cho phép của TƯ, UBND TP đã có quyết định quay trở lại cách điều hành vốn ngân sách linh hoạt như trước đây. Đây là một điều kiện thuận lợi cho công tác GPMB nói chung của TP Hà Nội.
Thêm nữa, những hạn chế trong phối hợp giữa các sở, ngành với nhau, giữa quận, huyện với các sở, ngành đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác GPMB. Phức tạp nhất trong GPMB nhiều dự án hiện nay là vấn đề xác định nguồn gốc đất. Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dự án hầm Kim Liên và Xã Đàn còn 3 hộ chưa giải tỏa vì không xác định được nguồn gốc đất. Nguyên nhân được cho là sự phối hợp giữa địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường kém hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho biết, chủ tịch UBND một số xã rất sợ trách nhiệm khi ký văn bản xác định nguồn gốc đất, chỉ khi lãnh đạo huyện "ép" mới làm. Lý do lãnh đạo xã "sợ" là vì Sở Tài nguyên và Môi trường thiếu hướng dẫn cụ thể về cách làm. "Những trường hợp không có giấy tờ thì xác định nguồn gốc đất thế nào, phải tổ chức họp dân ra sao, chúng tôi rất cần có hướng dẫn" - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị.
Một vấn đề khác ảnh hưởng lớn đến công tác GPMB là bố trí nhà tái định cư. Hiện nay, việc xây dựng nhà tái định cư do nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện, như Sở Xây dựng, các quận, huyện. Vì chưa quy về một mối nên việc điều tiết, cung cấp quỹ nhà tái định cư cũng thiếu linh hoạt, thậm chí có rất nhiều vấn đề. Các dự án xây dựng nhà tái định cư cũng chậm tiến độ do không có vốn kịp thời hoặc do khâu giới thiệu địa điểm "có vấn đề''. Một vị giám đốc sở đánh giá về khâu giới thiệu địa điểm đất xây dựng nhà tái định cư hiện nay: "Giữa lãnh đạo các cơ quan với nhau thì dễ, nhưng sự phức tạp bắt đầu tăng dần khi công việc được chuyển xuống các phòng, ban, rồi chuyên viên". Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi dẫn chứng: Vị trí tái định cư phục vụ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội suốt từ tháng 7-2008 đã quyết định 8ha ở khu vực Cầu Diễn, sau đó Sở QH-KT tham mưu tổng thể điều tiết mất đến hơn một năm rưỡi mới xong. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi khẳng định: "Dù chậm trễ là do các chuyên viên, nhưng chịu trách nhiệm chính phải là lãnh đạo các sở, ngành, vì đã thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhân viên".
Có thể nói, trách nhiệm của cán bộ trong những vướng mắc cản trở tiến độ các dự án phát triển hạ tầng là có tính chất quyết định. Phát triển hạ tầng trong bối cảnh thiếu vốn, cần phải nâng cao trách nhiệm cán bộ, trước mắt không nên để tái diễn tình trạng lãnh đạo với nhau thì dễ, nhưng khó khăn khi xuống đến các phòng, ban, chuyên viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.