(HNM) - Tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng... là hai trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND TP Hà Nội quyết liệt thực hiện hơn 6 tháng qua.
Cải cách hành chính tại Chi cục Thuế quận Hà Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Quyết liệt chỉ đạo
Từ đầu năm 2016 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo TP Hà Nội, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, nghiêm túc của các cấp, các ngành, công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã chủ động ban hành kế hoạch CCHC, tổ chức hội nghị triển khai gắn với thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra công vụ, trọng tâm là kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, dịch vụ công đối với các cá nhân, tổ chức; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Qua kiểm tra đột xuất tại 25 đơn vị thuộc các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, ngoài ghi nhận kết quả tích cực của các đơn vị, đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh lề lối làm việc với những cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, qua đó tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm thực thi công vụ. Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, không chỉ cấp thành phố, các đơn vị cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra công tác CCHC, việc giải quyết TTHC và kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các đơn vị trực thuộc ngay từ những tháng đầu năm như các quận, huyện: Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoàn Kiếm, Thạch Thất và các sở, ngành Du lịch, Bảo hiểm xã hội thành phố...
Để bảo đảm đơn giản hóa TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí của cá nhân, tổ chức, ngoài ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2016, UBND thành phố còn ban hành quyết định về việc công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Trong đó có 13 thủ tục đặc thù liên quan đến giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông; ngoại vụ; giao thông và vận tải; kế hoạch và đầu tư; lao động, thương binh và xã hội; hộ tịch… và 4 TTHC theo quy trình liên thông lĩnh vực ngoại vụ.
Kết quả tích cực
Với sự vào cuộc đồng bộ từ thành phố đến cơ sở trong công tác CCHC, nhất là TTHC, 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội đã thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,56%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 96,7%, chiếm hơn 20% của cả nước. Hà Nội đã rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 117 giờ/năm. Cùng với đó, lĩnh vực thủ tục hải quan trên địa bàn đã tiếp cận chuẩn mức của các nước tiên tiến, phù hợp với cam kết quốc tế; giao dịch điện tử về BHXH, BHYT chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thành phố đã giải quyết cấp điện qua trạm biến áp chuyên dùng thuộc trách nhiệm của ngành điện tối đa là 10 ngày. Đáng lưu ý, từ tháng 2-2016, CATP Hà Nội chính thức triển khai hệ thống thông báo lưu trú, khai báo tạm trú qua mạng tới các cơ sở kinh doanh lưu trú, qua đó giảm tải việc đi lại của nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh và quản lý hành chính về trật tự xã hội. Tương tự, từ tháng 5-2016, Sở KH-ĐT ban hành phương án thí điểm thực hiện liên thông, phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, thời gian thực hiện cấp phép rút ngắn từ 20% đến 60% thời gian so với quy định hiện hành, nhà đầu tư chỉ đến một điểm và chỉ sau 10 ngày có thể nhận giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, thực hiện quy chế liên thông các TTHC, hiện tại, việc đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố đã liên thông và được các quận, huyện, thị xã triển khai triệt để. Đặc biệt, từ ngày 1-3-2016, UBND thành phố thí điểm thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP, BHXH thành phố với các phường thuộc UBND quận Long Biên, Nam Từ Liêm để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Trong quý III-2016, UBND thành phố sẽ sơ kết việc triển khai thí điểm, nghiên cứu nhân rộng tại 12 quận nội thành.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sau thành công của đề án thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt khâu trung gian, tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.