(HNM) - Đó là bức xúc của nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) tham gia thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong thời gian qua. Đồng thời, đây cũng là một trong 4 khó khăn tồn tại suốt thời gian qua của các cấp CĐ trong việc thực hiện Nghị quyết 4a/BCHTLĐ của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam Khóa IX về nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ đối với nhiệm vụ này.
Công đoàn nỗ lực "đòi" quyền lợi cho người lao động (NLĐ)
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ góp phần xây dựng quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các cấp CĐ tỉnh Hải Dương đã nỗ lực thực hiện QCDC ở cơ sở. Hải Dương hiện có trên 4 nghìn DN, với gần 20 vạn CNVCLĐ. Trước thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật LĐ tại nhiều DN chưa nghiêm, đời sống vật chất và tinh thần của CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp thiếu thốn, tranh chấp LĐ và dừng việc tập thể luôn là nguy cơ tiềm ẩn, các cấp CĐ tỉnh đã phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng kế hoạch triển khai QCDC tại các chi, đảng bộ, lãnh đạo và cán bộ CĐ chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc thông qua việc tổ chức hội nghị BCH mở rộng đến lãnh đạo các ngành, đoàn thể, cán bộ chủ chốt các phân xưởng, phòng, ban, tổ, đội, tích cực tham mưu cho cấp ủy đồng cấp thực hiện có hiệu quả QCDC cơ sở và kiểm tra, làm điểm... hoạt động này. Do vậy, đến nay đã có 70-80% số đơn vị trong tỉnh xây dựng được nội quy, quy chế nội bộ. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện QCDC, tình hình phức tạp về quan hệ lao động cũng được đẩy lùi.
Theo ông Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch CĐ Bộ Nội vụ, sự cố gắng của tổ chức CĐ là điều kiện tiên quyết để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện QCDC cơ sở. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ CCVC và NLĐ, CĐ Bộ luôn thực hiện phương châm nói đi đôi với làm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, công tâm, minh bạch đối với sai phạm. Từ đó, phát huy sự bình đẳng, dân chủ, đoàn kết ở cơ sở.
Ông Ngô Văn Tuyến, Trưởng ban Kinh tế - Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội nêu, trong bối cảnh quan hệ lao động trong các DN ngoài nhà nước còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, trong khi chưa có chế tài xử phạt đối với các vi phạm không thực hiện QCDC, LĐLĐ TP đã xác định phải tập trung triển khai QCDC thông qua việc tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ. Để nhận thức đi đôi với hành động, LĐLĐ quyết liệt chỉ đạo các cấp CĐ nêu cao vai trò chủ động trong việc phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở.
Cần một "cây gậy" pháp lý
Trên thực tế, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức hoạt động của đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ, chỉ đạo tập huấn, triển khai nghị quyết cho 100% LĐLĐ các tỉnh, thành, CĐ ngành TƯ, CĐ tổng công ty trực thuộc. Thống kê mới đây cho thấy, 82% CĐ cơ sở cả nước đã có quy chế phối hợp công tác giữa CĐ với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN. Tỷ lệ thực hiện QCDC năm sau cao hơn năm trước. Tuy số lượng cơ quan, đơn vị, DN thực hiện QCDC có tăng, song chất lượng chưa khả quan; số vụ đình công, lãn công, ngừng việc tập thể vẫn tăng; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ vẫn bị xâm phạm và thực trạng DN "né" trách nhiệm thực hiện QCDC vẫn diễn ra phổ biến.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên; việc phối hợp giữa CĐ và chính quyền đồng cấp còn lỏng lẻo, văn bản ban hành song để đấy. Khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh khiến DN khó khăn, thu nhập của NLĐ giảm sút, tư tưởng công nhân không ổn định... dẫn đến hệ quả nhiều DN có biểu hiện xem nhẹ việc thực hiện QCDC. Bên cạnh đó, do hệ thống văn bản pháp luật về thực hiện QCDC ở cơ sở chậm được sửa đổi, bổ sung; quy chế thực hiện QCDC trong khu vực DN ngoài nhà nước chậm ban hành; nhất là chưa có chế tài xử phạt đối với cơ quan, đơn vị, DN không xây dựng và thực hiện QCDC, không tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ. Ông Chính thừa nhận, Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa có biện pháp quyết liệt đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện QCDC, để có cơ sở sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng văn bản phù hợp với tình hình mới. Ông cho biết, Tổng Liên đoàn tiếp tục thực hiện nghị quyết 4a bằng giải pháp gắn việc thực hiện quy chế này với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, DN...
Thực hiện QCDC là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của CNVCLĐ, đồng thời động viên sức sáng tạo, lòng nhiệt tình của CNVCLĐ trong lao động, sản xuất, công tác, giúp họ phát huy vai trò đại diện tập thể lao động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Song để đạt được mục tiêu này, ngoài sự cố gắng của tổ chức CĐ, NLĐ, cần có chế tài đủ mạnh để "lôi kéo" DN tham gia thực hiện...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.