(HNM) - Chỉ trong hai tháng đầu năm 2012, đã có hơn 2.500 doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh ngừng hoạt động. Một trong nhiều nguyên nhân khiến DN ngừng hoạt động, phá sản là phải vay vốn nhiều nhưng thực tế lại rất khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi lãi suất quá cao.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 60% DN vừa và nhỏ ở TP rơi vào tình trạng không đủ vốn duy trì hoạt động. Hàng loạt công trình, dự án bị đình trệ. Việc tiêu thụ hàng hóa cũng chững lại do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Một trong những vấn đề lớn đặt ra hiện nay là vốn, bởi tiếp cận rất khó và đặc biệt là DN thường phải trả lãi cao hơn quy định. Thống kê của Chi cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2011 có hơn 10.000 DN ngừng hoạt động và đây là con số lớn nhất trong 20 năm qua.
Nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tạm thời phải đóng cửa do khó khăn. |
Đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) là ngành khó khăn nhất trong thời gian qua và cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, do thị trường BĐS "đóng băng". Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu cho biết đã hoạt động trong lĩnh vực BĐS 20 năm nay nhưng chưa khi nào lãi suất ngân hàng cao như hiện nay. Bên cạnh đó, thủ tục, giá đền bù, tiền sử dụng đất cũng quá cao khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Chí Hiếu, các dự án BĐS đang đứng trước bờ vực phá sản nếu tình hình không được cải thiện. Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TP Chu Hữu Cường cho biết thêm, BĐS đóng băng cũng khiến ngành xây dựng lao đao. Bên cạnh kêu gọi giảm lãi suất cho vay, ông Chu Hữu Cường còn đề nghị giảm tiền sử dụng đất, đồng thời giảm tối đa việc chiếm dụng vốn của DN. Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hóc Môn Huỳnh Văn Hải phàn nàn tiếp cận vốn vay là con đường rất dài và khó khăn. Tại Hóc Môn có doanh nghiệp hiện chỉ còn 3-4 công nhân, giám đốc phải đi… trốn nợ. Theo ông Huỳnh Văn Hải, chủ trương, chính sách đều rất đúng, nhưng khi thực hiện lại xuất hiện những "rào cản" gây khó dễ cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Đại Phát cũng thống nhất quan điểm trên và đề nghị các cơ quan chức năng sớm hỗ trợ để DN có thể tiếp cận được vốn vay với lãi suất 15-16%/năm, bởi hiện nay, phần lớn phải vay với lãi suất hơn 20%/năm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP Phạm Xuân Hồng, dù không chịu áp lực quá lớn về vốn nhưng ngành dệt may cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi so với mọi năm, đơn đặt hàng của đối tác có phần cầm chừng. Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hàng nghìn công nhân cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc.
Tại buổi gặp gỡ các DN mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Hạnh cũng bức xúc không kém khi cho biết, chỉ trong hai tháng đầu năm đã có hơn 2.500 DN ngừng hoạt động. Một trong những nguyên nhân khiến DN khó khăn, phá sản là các DN phải vay vốn sản xuất nhiều, nhưng lãi suất quá cao không thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Lãnh đạo Cục Thuế thẳng thắn cho rằng, các ngân hàng quá chú trọng cung cấp tín dụng cho nhau, cho vay liên ngân hàng để "thôn tính" nhau hơn là cung cấp tín dụng cho DN; và công bố của các ngân hàng về giảm lãi suất, gỡ khó cho DN "chỉ để đăng báo". Ông Nguyễn Trọng Hạnh còn đề nghị nếu cần chứng minh, cơ quan thuế sẽ cung cấp dữ liệu thể hiện các ngân hàng sử dụng đồng vốn ra sao? Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận lãi suất cho vay còn cao, nhưng việc kiểm tra, xử lý… không dễ.
Nền kinh tế năm 2012 được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn. Giá cả một số hàng hóa liên quan đến đầu vào như xăng, điện, gas… đã và đang "nhấp nhổm" tăng. TP Hồ Chí Minh lâu nay được đánh giá là có môi trường đầu tư tốt mà còn như vậy, với các DN ở những địa phương khác, tình hình chắc còn xấu hơn. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp điều chỉnh lãi suất hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể, nhưng rõ ràng khâu thực hiện còn không ít chuyện đáng bàn, đòi hỏi cần quản lý, giám sát chặt chẽ để chính sách "đi vào" cuộc sống. Việc điều tiết hợp lý nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tạo giá trị thặng dư cho xã hội là rất cần thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; bởi mỗi DN phá sản sẽ kéo theo không ít lao động mất việc…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.