(HNM) - Mặc dù chưa đầy một tháng nữa quy định của Bộ GTVT về việc lắp thiết bị giám sát hành trình ("hộp đen") cho các xe ô tô có cự ly hoạt động trên 500km sẽ hết hạn, nhưng cho đến nay, nhiều DN vận tải, đặc biệt DN nhỏ, vẫn chưa mặn mà lắm với quy định trên, bởi thời hạn xử phạt còn gần hai năm nữa.
Lắp để… thăm dò
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, hiện mới có khoảng 20% phương tiện được lắp "hộp đen", chủ yếu mang tính chất thăm dò, trong khi Hiệp hội có tới hơn 100 DN với khoảng 6.000 đầu xe. Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc DN vận tải Đặng Tiến, cho rằng, quy định của Bộ GTVT chỉ mang tính định hướng và giúp các DN vận tải cùng cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn. Quan trọng hơn cả là các DN phải tự nhận thức được, việc lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) có lợi như thế nào đối với bản thân DN. Công ty Đặng Tiến có gần 20 đầu xe container và đều đã lắp đặt, thậm chí gắn thiết bị này 4 năm nay, hiệu quả thấy rõ. Thế nhưng, đa số các DN vận tải nhỏ, có ít đầu xe, vẫn "án binh bất động" trong việc triển khai, ông Tiệp nhận định.
Thực tế tại một số DN vận tải lớn tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, để có một "hộp đen" vận hành trơn tru, chi phí lắp đặt vào khoảng 7-10 triệu đồng/bộ/xe. Vì vậy, thật dễ hiểu khi nhiều DN vẫn e dè khi triển khai.
Ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Vinh Hiển (V-ECOM) - đơn vị vừa được Bộ GTVT chứng nhận "hộp đen" đạt tiêu chuẩn, cho rằng, mặc dù hiện nay công ty có thể cung cấp từ 3.000 đến 5.000 bộ/tháng, tuy nhiên, do nhu cầu thực tế chưa cao nên chỉ cung cấp dưới 1.000 bộ/tháng.
Cần một lộ trình hợp lý
Nhiều nhà sản xuất và cung ứng thiết bị GSHT cho rằng, Bộ GTVT quy định lắp đặt trong vòng 6 tháng (từ ngày 1-7-2011 đến 1-1-2012) đối với các xe ô tô có cự ly hoạt động trên 500km là hợp lý. Tuy nhiên, thời hiệu xử phạt tới ngày 1-7-2013 quá dài và đó là nguyên nhân chính khiến các DN vẫn chần chừ, chậm triển khai.
TS Khuất Việt Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cho rằng, khi triển khai lắp đặt thiết bị GSHT xong, bắt buộc phải cho các xe vận hành thử ít nhất 6 tháng đến một năm để kiểm định chất lượng cũng như thông số của các "hộp đen" trong thực tế. Nếu chưa ổn thì bắt buộc phải hoàn thiện kỹ thuật, còn nếu vận hành trơn tru thì mới áp dụng các biện pháp chế tài tiếp theo, tránh trường hợp "cầm đèn chạy trước ô tô", gây bức xúc cho các DN vận tải.
Một số chuyên gia về công nghệ cũng cho hay, thực tế hiện nay ở nước ta vẫn chưa đáp ứng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng dữ liệu, hệ thống bản đồ số vệ tinh, hạ tầng giao thông… Mặt khác, Nhà nước vẫn chưa xây dựng được các trung tâm quản lý giao thông và công nghệ mang tính quốc gia. Do đó, nếu áp dụng công nghệ vào quản lý vận tải cần có lộ trình hợp lý và phải được vận hành thực tế một thời gian mới tính đến chuyện xử phạt.
Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, quy định liên quan đến việc lắp đặt "hộp đen" của Bộ GTVT là đúng hướng, nhưng việc lùi thời hạn xử phạt đến giữa năm 2013 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai quy định này. Do vậy, mặc dù trên địa bàn TP hiện có 77 DN vận tải phải lắp đặt "hộp đen" nhưng đến thời điểm này số DN triển khai lắp đặt chưa nhiều, bất chấp việc Sở GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu lắp đúng hạn.
Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ "về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô" quy định: - Đến ngày 1-7-2011, ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn "hộp đen". - Đến ngày 1-1-2012, ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn "hộp đen". - Đến ngày 1-7-2012, tất cả các loại xe kể trên phải lắp đặt "hộp đen". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.