(HNM) - Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) chính thức có hiệu lực thi hành.
Nhiều điều khoản có lợi
Ngày 20-6-2017, Nghị quyết số 41/2017/QH14 về thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Bộ luật Hình sự năm 2015) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ ba thông qua.
Phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội hình sự. |
Theo đó, kể từ ngày 1-1-2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người có hành vi phạm tội. Điểm đáng chú ý là các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 có lợi cho người phạm tội như: Xóa bỏ một hình phạt, quy định hình phạt nhẹ hơn; miễn trách nhiệm hình sự... được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 1-1-2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích. Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”… của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 1-1-2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Đối với hành vi hoạt động phỉ, quy định tại Điều 83; hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật, quy định tại Điều 149; hành vi kinh doanh trái phép, quy định tại Điều 159; hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước ngày 1-1-2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý. Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, sái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được...
Trường hợp chuyển hình phạt tử hình đã tuyên sang chung thân
Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14) được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 thì không thi hành án và chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: Tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế;… Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại Khoản 2 Điều 12 và Khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ.
Nghị quyết số 41/2017/QH14 giao Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015; Đồng thời giao Tòa án nhân dân Tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”,…
Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 5-7-2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.