Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều “điểm nghẽn” cần khơi thông

Tuấn Lương| 15/08/2014 06:07

(HNM) - Nguồn vốn đầu tư cho giao thông thủy hạn chế; hạ tầng luồng tuyến và hạ tầng cảng bến không đồng bộ; thiếu chính sách về đầu tư đường thủy nội địa cũng như cho phát triển vận tải thủy nội địa…



Hàng loạt "điểm nghẽn" đang khiến cho VTT nội địa khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) không khai thác hết tiềm năng; khối lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các tuyến VTT có hiện tượng chững lại và có xu hướng giảm, VTT không kết nối với các phương thức vận tải khác…


Rất nhiều "điểm nghẽn"

ĐTNĐ khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm 3 hành lang đường thủy và 7 tuyến VTT kết nối. Mạng lưới cảng có 1.109 cảng và bến thủy nội địa với năng lực thông qua 102 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục ĐTNĐ Việt Nam, những năm qua VTT nội địa không khai thác được hết tiềm năng; khối lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các tuyến VTT có hiện tượng chững lại, VTT không kết nối với các phương thức vận tải khác… Hiện, hệ thống ĐTNĐ vùng ĐBSH chỉ đảm nhận 15-17% khối lượng vận tải, chủ yếu vận chuyển cát; tỷ lệ các loại hàng hóa khác rất ít.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đang có quá nhiều "điểm nghẽn" khiến cho VTT nội địa khu vực ĐBSH không thể phát triển. Hạ tầng luồng tuyến và hạ tầng cảng bến không đồng bộ vì hệ thống hạ tầng luồng tuyến hiện nay được Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp theo các dự án và bảo trì hằng năm. Hệ thống cảng bến đã được xã hội hóa, một số cảng do các doanh nghiệp nhà nước quản lý nhưng được xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp, hệ thống bốc xếp hàng hóa lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu bốc xếp hàng hóa, nhất là hàng container. Điều kiện về thủy văn không thuận lợi do chế độ dòng chảy có 2 mùa, mực nước sông xuống thấp về mùa cạn, lên cao về mùa lũ nên cũng ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải, bốc xếp hàng hóa. Tĩnh không cầu hiện cũng rất hạn chế cho VTT, ví dụ: Tĩnh không cầu Đuống chỉ là 2m, cầu Long Biên 4,9m, do vậy VTT chỉ tính từ Hà Nội ra đến cửa sông, vùng duyên hải. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho giao thông thủy rất hạn chế (chiếm 2-3% trong tổng đầu tư của ngành giao thông).

Cũng theo ông Trần Văn Cừu, các doanh nghiệp VTT hầu hết là đơn vị tư nhân, phát triển tự phát, manh mún, năng lực tài chính và phương tiện cũ. Không những thế, trong quản lý nhà nước còn thiếu chính sách đầu tư, phát triển ĐTNĐ; chưa có chính sách vĩ mô về điều tiết các phương thức vận tải như quy định đối với vận tải hàng hóa đường dài hoặc vận tải container thì thực hiện bằng ĐTNĐ, đường sắt… Với tình trạng đó, các doanh nghiệp khó tiếp cận các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.

Tránh đầu tư lệch cho đường bộ

Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển VTT nội địa vùng ĐBSH" vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, lâu nay chúng ta đầu tư lệch, đầu tư cho đường bộ quá nhiều mà ít quan tâm đến các lĩnh vực vận tải khác. Cái vướng đầu tiên là ở nhận thức của không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà ở chính lãnh đạo các địa phương và cơ quan quản lý. Để thay đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả khai thác VTT thì trước hết phải thay đổi nhận thức về loại hình vận tải này. Bên cạnh đó cần tập trung triển khai Luật ĐTNĐ để tạo ra các hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy phát triển. Ngoài ra cần có cơ chế thu hút các nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia phát triển ĐTNĐ. Trong thời gian tới, cần tập trung tái cơ cấu ngành GTVT theo hướng sắp xếp, phân bổ hợp lý các lĩnh vực vận tải, tránh tình trạng đầu tư lệch cho đường bộ.

Theo ông Phạm Quý Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ĐTNĐ, để phát triển VTT nội địa, cần thiết phải làm cho xã hội nhìn nhận được tiềm năng của hệ thống sông ngòi. Về các giải pháp cụ thể nhằm phát triển VTT nội địa khu vực ĐBSH, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung đầu tư vào 9 dự án chính theo quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nâng cao tĩnh không đối với các cầu có tĩnh không thấp, đặc biệt là cầu Đuống, cầu Long Biên nhằm phục vụ vận chuyển hàng container đến Việt Trì và các khu vực lân cận. Đối với hệ thống cảng bến, sẽ bố trí hợp lý hệ thống cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt là các cảng chính, cảng khu vực, từng bước nâng cấp và hiện đại hóa dây chuyền công nghệ và thiết bị bốc xếp, qua đó nâng cao năng lực hàng hóa thông qua cảng; tổ chức kết nối trung chuyển hàng hóa giữa VTT với các phương thức vận tải biển, vận tải đường sắt và đường bộ…

Thời gian tới, các luồng vận tải hàng hóa, vận tải hành khách truyền thống… sẽ được mở rộng. Trong đó, vận tải hàng hóa sẽ tập trung cho tuyến Quảng Ninh - Phả Lại - Bắc Giang - Bắc Ninh chủ yếu vận chuyển than, vật liệu xây dựng; tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Tuyên Quang - Việt Trì - Hòa Bình vận chuyển than, phân bón, lương thực, vật liệu xây dựng. Trong tương lai có thêm container, máy móc thiết bị. Về hành khách, phát triển các tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hải Phòng - Cát Bà, Hải Phòng - Hạ Long; tổ chức khai thác loại hình du lịch trên tuyến sông Hồng, vịnh Hạ Long, du lịch vùng hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều “điểm nghẽn” cần khơi thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.