Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm nghẽn cần giải tỏa

Khánh Vũ| 27/11/2012 06:21

(HNM) - Việc khống chế trần học phí, không được tự chủ thu... là những điểm nghẽn lớn trong cơ chế tài chính đang thực hiện ở các trường ĐH công lập hiện nay.


Tăng tự chủ nhưng giảm nguồn thu

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, việc khống chế trần học phí hiện nay đang là một trong những nút thắt trong đổi mới chế độ học phí của các trường công lập. Từ bốn năm nay, Bộ GD-ĐT đã giao cho 6 trường ĐH thực hiện thí điểm tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn các trường này cho biết quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được trao một cách đầy đủ. Hiện chưa có cơ chế cho phép các trường chủ động xây dựng mức thu học phí để bảo đảm thu đủ bù chi, từ đó, dẫn đến tình trạng không bình đẳng giữa các trường thí điểm với các trường công lập khác vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên hằng năm.


Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương trong giờ thực hành tin học. 
Ảnh: Linh Tâm


Trên thực tế, dù được coi là tự chủ song nguồn thu của các trường tham gia thí điểm tự chủ tài chính lại giảm. Vì vậy, một số trường tỏ ý không muốn tham gia chương trình. Có lãnh đạo của trường thực hiện thí điểm vẫn đề xuất được cấp kinh phí chi thường xuyên nếu không được hưởng các cơ chế đặc biệt. Việc các cơ sở giáo dục đào tạo được giao quyền tự chủ chi nhưng lại không được tự chủ thu là một nghịch lý, nhất là với các cơ sở có thể có nguồn thu cao đang được vận động, khuyến khích chuyển sang hoạt động theo cơ chế như một doanh nghiệp. Việc không bảo đảm được nguồn thu dẫn tới việc nhiều trường phải tăng số lượng và quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình liên kết đào tạo trong khi chưa đủ năng lực đảm nhiệm. Điều này có hệ quả không tránh khỏi là làm giảm chất lượng đào tạo.

Nhà trường - doanh nghiệp cần "bắt tay" nhau

Nhằm tháo gỡ một phần vướng mắc nói trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Đinh Văn Nhã cho biết, các cơ sở có nguồn thu cao, được khuyến khích chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp, sẽ được trao nhiều quyền hơn trong tự chủ thu. Họ sẽ có một cơ chế tự chủ toàn diện, quyền tự quyết, nhất là tự quyết các chương trình đào tạo gắn với chất lượng. Nếu cam kết thực hiện tốt, họ có thể tự chủ thu vượt khung của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, một số dự kiến sẽ được Bộ đề xuất với các cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo hướng chi phí cho giáo dục đại học trước hết cần phải được tính đủ các chi phí đào tạo. Các ngành học sau khi được tính chi phí đào tạo, sẽ tiến hành phân nhóm. Những ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao, người học có nhu cầu, thì ngoài sự hỗ trợ một phần từ ngân sách, sẽ được phép thu bổ sung để bảo đảm đủ chi phí đào tạo. Đó có thể là những ngành như công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng... Để không mất cân đối cơ cấu ngành học, những ngành cần thiết cho xã hội nhưng người học ít nhu cầu, Nhà nước sẽ đặt hàng với các trường và sẽ bảo đảm kinh phí đào tạo.

Về một mô hình thu cao để bù chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề cập tới Trường ĐH Quốc tế, thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Các chương trình đào tạo chủ yếu giảng dạy bằng tiếng Anh và có nguồn giảng viên là các Việt kiều đang giảng dạy tại nước ngoài, SV du học về nước và các giáo sư nước ngoài của các trường có liên kết và trao đổi hợp tác với nhà trường. Trường đang áp dụng mức thu 1.500 USD/năm và còn dự định tăng học phí để có chất lượng học tập tốt hơn. Mức học phí này cao gấp 7-10 lần học phí thông thường, song chất lượng đầu ra của trường được mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) kiểm định và công nhận.

Mặc dù đồng ý rằng mô hình nói trên cần được nhân rộng, song đại diện nhiều trường cho rằng mức học phí đó là quá cao và rất khó áp dụng ở đa số các trường công lập. Để nâng cao chất lượng đào tạo một cách đồng bộ, lâu dài, đại diện một trong các đơn vị đang thí điểm tự chủ tài chính, Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui cho rằng Nhà nước nên giao thêm quyền cho những người đứng đầu các đơn vị, cần tính đến cơ chế trả lương đặc thù đối với những trường tự chủ. Đặc biệt, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các trường ĐH tìm nguồn vốn khác như từ sự đầu tư của doanh nghiệp.

Ở khía cạnh này, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận: có nhiều lý do mà các trường ĐH và doanh nghiệp chưa thể kết nối được với nhau. Trong đó, phải kể tới việc doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các thủ tục hành chính. Chính vì thế, thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa về đất đai, thuế và đặc biệt là thủ tục hành chính… để lĩnh vực giáo dục hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp. Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện cũng chưa có quy định việc huy động vốn và vay vốn của các tổ chức tín dụng cho các hoạt động dịch vụ công để khuyến khích các đơn vị chủ động đầu tư vào cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học của các trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm nghẽn cần giải tỏa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.