Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm “khuyết” về bảo hiểm việc làm

Hoàng Phong| 18/10/2012 07:33

(HNM) - Khái niệm về bảo hiểm việc làm (BHVL) được đề cập đến trong Dự thảo Luật Việc làm đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.

Theo luật hiện hành, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt buộc chỉ dành cho người lao động (LĐ) có giao kết hợp đồng LĐ từ đủ 12 tháng trở lên và chủ sử dụng LĐ ở những đơn vị có từ 10 LĐ trở lên. Với quy định này thì những LĐ tự do, LĐ thời vụ hoặc ký HĐ dưới 12 tháng, LĐ làm việc tại các DN, đơn vị có 10 LĐ trở xuống sẽ không được tham gia BHTN. Đây là điểm khuyết của chính sách và là lý do để loại hình BHVL ra đời. Theo Dự thảo Luật Việc làm, đối tượng tham gia BHVL được mở rộng. Người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ được tham gia BHVL, tức là được hưởng BHTN nếu họ mất việc làm. Những quy định trong Luật Việc làm  là "giá đỡ" cho khoảng hơn 30 triệu lao động chưa được điều chỉnh hoàn toàn trong Bộ luật Lao động.

Bảo hiểm việc làm ra đời sẽ giúp lao động thời vụ yên tâm công tác. Ảnh: Phương An


Theo  Dự thảo Luật Việc làm, chủ sử dụng LĐ được hỗ trợ khi gặp khó khăn nếu đáp ứng đủ ba điều kiện: tham gia và đóng đủ BHVL cho người LĐ thuộc đối tượng tham gia BHVL tại đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng tại thời điểm đề nghị hỗ trợ; đã sử dụng hết các nguồn tài chính để thanh toán tiền lương, tiền đóng BHXH bắt buộc, BHVL, BHYT, phát triển kỹ năng nghề cho người LĐ; có phương án duy trì việc làm cho người LĐ theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Người sử dụng LĐ cũng được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người LĐ đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho người LĐ trước khi chuyển làm nghề khác cho mình. Họ còn được vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng BHXH bắt buộc; BHVL, BHYT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay.

Mục đích đưa ra là tốt đẹp nhằm hỗ trợ, duy trì và phát triển việc làm; ngăn ngừa thất nghiệp; hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập và sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường LĐ, nhưng để đưa BHVL vào cuộc sống quả là không dễ dàng. Thực tế  hiện nay chúng ta có 3 loại hình bảo hiểm đang tồn tại là BHXH, BHYT và BHTN, thêm một loại hình BHVL mới liệu có tạo gánh nặng cho chủ sử dụng LĐ và chính người LĐ khi mà trong quỹ lương hạn hẹp của mình, người LĐ đã phải gánh quá nhiều loại thuế và phí.

TS Trần Thị Thúy Lâm (Đại học Luật HN) cho rằng, với các loại hình bảo hiểm đang tồn tại, chúng ta đã và đang phải đối mặt với tình trạng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng và việc giải quyết nợ đọng, bảo đảm quyền lợi cho người LĐ là rất chật vật, chưa có biện pháp tối ưu nhất để chấm dứt tình trạng nợ đọng thì liệu BHVL ra đời có làm trầm trọng thêm vấn đề nợ đọng vốn đang gây đau đầu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Chưa kể, khi cùng một lúc phải đóng nhiều loại BH buộc người sử dụng LĐ phải cắt giảm nhân công gây ảnh hưởng đến việc làm của người LĐ. Làm thế nào để các loại hình bảo hiểm trên, nhất là BHTN và BHVL không bị chồng chéo lại là vấn đề không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm “khuyết” về bảo hiểm việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.