Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều địa phương chưa quyết liệt

Tuấn Lương| 28/11/2011 05:46

(HNM) -


Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), năm 2011 TP Hà Nội đặt kế hoạch ĐGQSDĐ 30 dự án với diện tích 17,96ha, dự kiến thu cho ngân sách 2.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn TP mới có 8 đơn vị tổ chức đấu giá được 3ha đất, thu được 522,65 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch về nguồn thu được giao. Trong đó, đạt kết quả cao nhất là huyện Đông Anh với tổng diện tích đấu giá 9.927m2 (các thửa đất thuộc xã Liên Hà và đất xen kẹt, nhỏ lẻ tại các xã khác), tổng số thu 235,32 tỷ đồng. Tiếp sau là huyện Gia Lâm đã đấu giá 12.456m2 đất xen kẹt tại 7 xã với tổng số thu 171,7 tỷ đồng. Huyện Mỹ Đức đấu giá 13.324m2 đất xen kẹt, nhỏ lẻ tại 5 xã, thu 54,1 tỷ đồng. Huyện Đan Phượng đấu giá 3.700m2 đất, thu được 38,7 tỷ đồng. Ngoài ra các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Thường Tín cũng đã tổ chức đấu giá. Nhiều quận, huyện, thị xã mặc dù đã được giao chỉ tiêu cụ thể từ tháng 5-2011 nhưng đến nay vẫn chưa đấu giá được phiên nào.


Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Cầu Giấy.     Ảnh: Năng Lực

Sở TN-MT cho rằng, kết quả đấu giá đất năm nay đạt thấp là do các quận, huyện, thị xã chưa chủ động triển khai theo kế hoạch. Một số đơn vị còn lúng túng khi thực hiện Nghị định số 17/CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Nghị định này đã được ban hành từ ngày 4-3-2010, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành. Theo đại diện UBND quận Cầu Giấy, những năm trước Cầu Giấy đã tổ chức rất thành công các kỳ ĐGQSDĐ, nhất là tại khu đô thị mới Cầu Giấy, thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại thị trường BĐS đang chững lại nên việc tổ chức đấu giá gặp nhiều khó khăn. Do đó, quận tập trung vào thu nợ đọng tiền trúng đấu giá của năm 2010. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong Quyết định số 29/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về ĐGQSDĐ hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP, tại điều 18 về thuê đơn vị đứng ra tổ chức có ghi rõ: trường hợp nhiều tổ chức cùng đăng ký tham gia thực hiện ĐGQSDĐ thì phải đấu thầu. Việc này nên coi là một gói thầu tư vấn và cho phép chỉ định thầu để lựa chọn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Như vậy, các quận, huyện cũng bớt lúng túng.

Tập trung đấu giá các dự án đủ điều kiện

Cũng theo báo cáo của Sở TN-MT, toàn TP hiện có khoảng 24,8ha đất đã đủ điều kiện đấu giá. Trong số này, có 17 dự án đủ điều kiện (hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật) với diện tích 8,658ha, tại địa bàn các quận, huyện Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh, Hà Đông, Thanh Trì, Mê Linh, Ứng Hòa (dự kiến thu 1.453 tỷ đồng). Ngoài ra, 5 dự án với diện tích 3,22ha (dự kiến thu 206 tỷ đồng) đã đủ điều kiện nhưng các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây lại chưa thể tổ chức đấu giá do chưa thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất theo quy định. 7 dự án khác với tổng diện tích 3,93ha (dự kiến thu 643 tỷ đồng) chưa đủ điều kiện. Trong đó có 2 dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng (khu đồng Sứt, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm và khu 18 Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm); một dự án đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh); một dự án tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Sở TN-MT tổ chức đấu giá nhưng đến nay chưa nhận bàn giao hồ sơ đất từ tỉnh Vĩnh Phúc; 2 dự án tại quận Long Biên và huyện Đông Anh đang phải điều chỉnh quy hoạch; một dự án tại Sài Đồng, quận Long Biên đang giải quyết kiện tụng hành chính.

Hiểu được những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thay đổi, TP đã làm việc với Bộ Tư pháp và các cơ quan TƯ để có hướng tháo gỡ. Bên cạnh đó đã tổ chức tập huấn cho 22 đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Với kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc cho phép chỉ định thầu khi có từ 2 đơn vị đấu giá chuyên nghiệp trở lên tham gia, TP khẳng định rõ là phải đấu thầu. Hà Nội chỉ có thể thực hiện chỉ định thầu khi có ý kiến cho phép của Bộ Tư pháp. Các sở, ngành, địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu của TP giao. Trong đó, tập trung đấu giá ngay với các dự án đã đủ điều kiện. Riêng về vấn đề nợ đọng trong đấu giá đất, yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát, phân loại. Với những trường hợp cụ thể, nếu có lý do chính đáng có thể cho phép gia hạn trong thời gian nhất định; nếu không thì hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Nếu nợ đọng có nguyên nhân vì TP chậm làm hạ tầng (với các dự án lớn) phải tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương chưa quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.