(HNMO) - Bộ Nội vụ đang dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Dự thảo nghị định này được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ. Dự thảo có 5 chương, 70 điều, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, áp dụng đối với viên chức quy định tại Điều 2 Luật Viên chức ngày 15-11-2010.
Không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ
So với quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, dự thảo nghị định mới quy định rõ hơn về việc các đơn vị sự nghiệp có thể bổ sung các điều kiện khác (ngoài các điều kiện quy định trong nghị định) đối với các vị trí việc làm khi tuyển dụng, nhưng những điều kiện này không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định về trường hợp đặc thù, cho phép tuyển dụng những người có độ tuổi thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Dự thảo nghị định cũng điều chỉnh quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Việc điều chỉnh quy định này nhằm tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên của đơn vị sự nghiệp trong tuyển dụng viên chức (khoản 2, Điều 6).
Dự thảo cũng đề xuất rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Vì hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3.
Về ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc, dự thảo nghị định có bổ sung nội dung mới so với các quy định trước đây để làm cơ sở xử lý trường hợp viên chức chuyển đổi đơn vị làm việc. Cụ thể: “Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức; đồng thời thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức” (khoản 4, Điều 17).
Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức
Dự thảo nghị định có sửa đổi thuật ngữ “phân công nhiệm vụ” thành “bố trí, phân công công tác” nhằm phản ánh đúng hơn nội dung được quy định trong mục này, tránh trùng lặp với thuật ngữ nhiệm vụ trong cách hiểu về vị trí việc làm.
Nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức, dự thảo nghị định có bổ sung về quyền hạn của các bộ này trong thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức, cụ thể: “Các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức quy định cụ thể nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành tại vòng 2 kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý” (khoản 2, Điều 27).
Dự thảo nghị định bổ sung việc chuyển tiếp đối với viên chức, theo đó “đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật Viên chức và khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng; đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2003 đến ngày 1-1-2012, căn cứ thời gian công tác, hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định của Luật Viên chức” (khoản 1, Điều 61). Việc bổ sung này nhằm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về việc xác định công chức, viên chức.
Nội dung về quản lý viên chức không thay đổi so với các quy định trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.