(HNM) - Lần đầu tiên trong 17 năm qua, nhiều cơ quan chính phủ liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động vì hết ngân sách. 11 giờ trưa ngày 1-10 (theo giờ Hà Nội) là thời điểm kết thúc ngân sách tài khóa 2013, trong khi lưỡng viện Mỹ không đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách mới.
Diễn biến này khẳng định thêm cuộc đối đầu căng thẳng giữa đảng Cộng hòa đang kiểm soát tại Hạ viện với đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện trong cuộc chiến ngân sách.
Khách du lịch đổ xô đến Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington (Mỹ) ngày 30-9, trước thời điểm khu vực này ngừng hoạt động vì hết ngân sách. |
Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã tranh cãi suốt hơn một tuần qua với trọng tâm là Chương trình chăm sóc y tế của Tổng thống B.Obama (Obamacare). Trong khi Hạ viện khăng khăng chỉ duyệt chi ngân sách mới nếu "Obamacare" bị trì hoãn thì Thượng viện lại có quan điểm trái ngược. Đến đêm 30-9, Hạ viện một lần nữa không thông qua dự luật của Thượng viện, hơn nữa còn bổ sung thêm 2 điều sửa đổi khác liên quan đến "Obamacare". Những sửa đổi này không chỉ yêu cầu trì hoãn "Obamacare" trong một năm mà còn bổ sung việc không cho các nhà lập pháp, các nhân viên của Quốc hội, và nhân viên hành chính được hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế theo "Obamacare". Ít giờ sau đó, Thượng viện một lần nữa lại từ chối những sửa đổi của Hạ viện khi đưa "trái bóng" trở về Hạ viện. Và kết quả là Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa nhiều cơ quan khi Hạ viện quyết không thỏa hiệp. Mấu chốt của tranh cãi chưa có hồi kết giữa các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa thực chất vẫn là lợi ích cho người giàu (thiểu số) và người nghèo (đa số). Trong khi nước Mỹ hiện có tới 50 triệu người, chiếm 16% dân số, vẫn chưa có bảo hiểm y tế và cần "Obamacare" thì chỉ khoảng 1% dân số thuộc nhóm người có mức thu nhập từ 1 triệu USD mỗi năm trở lên. Sâu xa hơn, việc nhiều cơ quan chính phủ đóng cửa là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau một loạt những tranh cãi mang tính ý thức hệ, giữa đảng Dân chủ của ông B.Obama và phe Cộng hòa về quy mô của Chính phủ Mỹ và vai trò của nó trong đời sống quốc gia.
Ít phút trước khi bước sang ngày 1-10, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Sylvia Mathews Burwell đã chỉ thị các cơ quan liên bang bắt đầu áp dụng các biện pháp khi kịch bản chính phủ đóng cửa xảy ra. Ước tính, có từ 800.000 đến một triệu công chức liên bang phải nghỉ việc không lương; 1,4 triệu binh sĩ sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ nhưng có thể phải lĩnh lương chậm; Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên. Các công viên quốc gia, thư viện và viện bảo tàng sẽ phải đóng cửa... Các ngành và các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các tòa án liên bang, cơ quan bưu chính, phần lớn nhân viên của Bộ An ninh nội địa sẽ tiếp tục làm việc.
Lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa gần đây nhất (vào cuối năm 1995, đầu năm 1996) thực sự là "thảm họa" đối với người lao động Mỹ. Các dịch vụ công cộng bị ngưng trệ, đảng Cộng hòa lúc đó bị chỉ trích nặng nề. Nhiều người tin rằng, tình trạng đóng cửa chính phủ năm 1995 và 1996 chính là lý do giúp ông Bill Clinton giành chiến thắng dễ dàng tại cuộc bầu cử tổng thống năm 1996. Lần này cũng vậy, theo kết quả khảo sát của Viện Pew, 39% người Mỹ được hỏi cho rằng Chính phủ đóng cửa là lỗi của đảng Cộng hòa trong khi 36% đổ lỗi cho chính quyền của ông Obama. Thế nên, một số nhà phân tích cho rằng, sự kiện này có thể coi là dịp may cho đảng Dân chủ, bởi đảng Cộng hòa sẽ phải chịu thêm sức ép trong bầu cử tổng thống lần tới.
Nhưng khi Chính phủ phải đóng cửa sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng phục hồi chậm chạp. Hãng nghiên cứu IHS dự đoán, Mỹ sẽ bị thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày do sản lượng kinh tế sụt giảm. Dự đoán, Chính phủ đóng cửa trong 2 tuần sẽ khiến tăng trưởng GDP quý IV của Mỹ giảm 0,5%; đóng cửa trong toàn bộ tháng 10 sẽ khiến GDP giảm 2%.
Trong khi các nhà lập pháp đang vật lộn và chưa có một giải pháp cụ thể nào để giải quyết vụ việc đang gây chấn động thì nước Mỹ lại đứng trước một hạn định mới. Ngày 17-10 tới sẽ là hạn cuối cho việc nâng trần nợ của Chính phủ đang ở mức 16.700 tỷ USD. Nếu Quốc hội không thông qua việc nâng trần nợ, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sự bị vỡ nợ về mặt lý thuyết. Nhiều nhà đầu tư lo ngại Chính phủ đóng cửa hoặc vỡ nợ có thể phá hủy nền kinh tế Mỹ. Mối đe dọa vỡ nợ đang treo lơ lửng trên đầu chính quyền của Tổng thống B.Obama khi "cuộc đọ găng trên chính trường" vẫn chưa thấy hồi kết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.