Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều chính sách vẫn làm khó hợp tác xã

Bạch Thanh| 23/06/2014 06:34

(HNM) - Để chính sách đi vào cuộc sống, giúp kinh tế tập thể phát triển bền vững, trở thành bà đỡ cho xã viên vẫn còn nhiều việc phải làm…

Phát huy vai trò "bà đỡ"

Theo thống kê của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên, huyện Gia Lâm, toàn xã có 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 50ha trồng lúa tập trung, 30ha trồng rau màu và 20ha làm dịch vụ khác. Từ năm 2011, HTX áp dụng thử nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng VietGAP, với quy mô hơn 20ha chuyên trồng các loại rau cải, rau thơm, hành... Sau một thời gian triển khai, với sự "xắn tay vào việc" của HTX, hỗ trợ xã viên về kỹ thuật, thị trường, tổ chức sản xuất…, đông đảo nông dân đã tin tưởng, tích cực tham gia sản xuất RAT. Từ khi chuyển sang mô hình trồng hành và rau gia vị theo quy trình VietGap đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5-6 lần. Diện tích trồng rau theo quy trình VietGap của HTX hiện đã tăng lên hơn 30ha, thu hút 700 nông hộ tham gia sản xuất. Ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên cho biết: RAT của HTX đã có được đầu ra ổn định, sản phẩm chủ yếu bán tại các chợ đầu mối. Không chỉ hỗ trợ xã viên sản xuất RAT, HTX còn hỗ trợ xã viên tham gia tập làm dịch vụ - thương mại và đã có 12 hộ đăng ký bán buôn, bán lẻ tại các chợ đầu mối, rau sạch của Yên Viên đưa vào các sàn giao dịch nông sản. Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất RAT theo quy trình VietGap, đến nay xã Yên Viên đã hoàn thành 18/19 tiêu chí.

Sơ chế RAT tại HTX Đại Lan, xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Anh Tuấn


Tương tự HTX Thuần Mỹ, huyện Ba Vì đã đưa thành công ngô giống LVN885 của Viện Nghiên cứu ngô vào trồng tại địa phương. Theo ông Phùng Văn Nhiên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thuần Mỹ, giống ngô mới đưa vào sản xuất đã cho thu nhập cao hơn ngô thương phẩm gấp 4 lần. Có khoảng 150 hộ dân tham gia trồng cây ngô giống và bình quân cứ 3 hộ chung nhau một giếng khoan, bể chứa nước. Ngoài ra, HTX đã trở thành cầu nối đưa nhiều giống cây trồng giá trị cao vào đồng ruộng, nâng cao đời sống nhân dân như chuối tiêu hồng, ngô, lúa chất lượng cao… Sau dồn điền đổi thửa, HTX đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng, giúp nông dân sản xuất thuận lợi.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho biết, toàn bộ cơ sở vật chất, các HTX đều phải tự lo. Từ chỗ xin giao đất, vay vốn xây trụ sở, HTX phải tự mày mò, từng bước tháo gỡ khó khăn. Nguồn vốn để xây dựng hệ thống đường điện, bơm nước giếng khoan ra nội đồng, mua vật tư phân bón, giống… luôn là bài toán khó đối với các HTX; vì việc vay vốn ngân hàng không dễ, phải có tài sản thế chấp, chủ nhiệm nào năng động, tập thể đoàn kết thì mới mạnh dạn mang sổ đỏ của gia đình đi thế chấp. "Cái khó bó cái khôn", HTX muốn đứng ra cung ứng giống, vật tư phân bón cho bà con xã viên nhưng không cạnh tranh nổi với các tư thương. Tư thương có thể "bán chịu" dài ngày và sẵn sàng "ôm hàng" trước cả tháng, trong khi HTX nông nghiệp thì không thể làm như vậy vì vừa thiếu vốn, vừa không có kho tàng, bến bãi…

Hiện tại, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực HTX còn chưa cụ thể, mang tính "đánh trống bỏ dùi". Muốn HTX phát triển phải có chế độ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp cho cán bộ HTX, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Có như vậy mới có thể thu hút người giỏi tham gia lãnh đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Năm 2002, Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung và Chính phủ ban hành Nghị định 01/2003/NÐ-CP ngày 9-1-2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Ðiều lệ BHXH, thì khu vực HTX bắt đầu được thực hiện chế độ BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều cán bộ HTX tuổi đã cao, có quá trình tham gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển HTX, nếu chỉ được đóng BHXH bắt buộc từ năm 2003 thì sẽ không đủ thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Thực tế có nhiều chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX cống hiến tới gần 40 năm vẫn không đủ thời gian đóng bảo hiểm.

Trong buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam vào năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nghiên cứu giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề nêu trên. Ông Phạm Văn An cho biết, nếu địa phương nào quan tâm thì trích ngân sách hỗ trợ cán bộ HTX mua bảo hiểm, còn không thì bỏ mặc cho HTX tự lo; trong khi bản thân các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp mang tính phục vụ xã viên là chính, chỉ mang tính chất "lấy thu bù chi", lấy tiền đâu để lo các khoản phúc lợi cho cán bộ HTX.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách vẫn làm khó hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.