(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, 6 tháng vừa qua, số thu ngân sách do Cục Hải quan TP Hà Nội (HQHN) thực hiện ước đạt 4.871,27 tỷ đồng, tăng 13,73% so với cùng kỳ năm 2012.
Kết quả này có được một phần là do HQHN đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu. Hội nghị đối thoại với các DN chuyển phát nhanh (CPN) do HQHN tổ chức ngày 23-7 là một trong những việc làm thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho các DN.
Vận chuyển hàng hóa tại doanh nghiệp chuyển phát nhanh Tín Thành. |
Báo cáo của HQHN cho thấy, hoạt động kinh doanh CPN trên địa bàn thời gian qua diễn ra khá sôi động. Sáu tháng đầu năm nay đã có 87.386 vận đơn với 6.530 tờ khai hải quan cho các lô hàng CPN làm thủ tục tại HQHN. Lượng tờ khai hàng hóa gửi qua dịch vụ CPN chỉ chiếm tỷ lệ 15% trên tổng số tờ khai được đăng ký tại HQHN, song việc triển khai hoạt động nghiệp vụ để quản lý loại hình này lại đòi hỏi khá khắt khe. Thực hiện một phần hoặc toàn bộ công đoạn thu gom, phân loại, vận chuyển và phát hàng bằng hình thức CPN phải đáp ứng nhanh về thời gian và độ tin cậy cao, đòi hỏi cơ quan hải quan phải có biện pháp quản lý phù hợp.
Tại hội nghị đối thoại với cơ quan hải quan, DN CPN đã nêu nhiều vướng mắc khi thực hiện khai báo hải quan với lô hàng. Cụ thể, đặc thù hàng CPN chủ yếu là quà biếu, quà tặng với nội dung hàng hóa không được thể hiện đầy đủ trên vận đơn nên khó xác định kiện hàng nào thuộc diện có thuế hay miễn thuế. Do đó, DN kinh doanh CPN phải bóc, mở bưu phẩm, bưu kiện dưới sự giám sát của công chức hải quan để kê khai chi tiết nội dung hàng hóa và phân loại. Như vậy chủ yếu vẫn phải thực hiện theo thủ tục hải quan truyền thống. Hàng nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính EMS đa phần có tính chất nhỏ lẻ, giá trị thấp. Song theo quy định, một số mặt hàng vẫn phải đăng ký kiểm tra như: Mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, đồ chơi, quần áo... khiến việc khai báo hải quan không thể tiến hành nhanh gọn.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Công ty Chuyển phát nhanh DHL-VNPT cho biết, quy định về việc nối mạng điện tử giữa DN với hải quan đem lại nhiều tiện ích nhưng đến nay việc kết nối vẫn chưa thực hiện được. Bởi theo quy định hiện hành, DN không thể nối mạng trực tiếp với hải quan do các vấn đề bảo mật và mọi thông tin trao đổi chỉ có thể chuyển qua email.
Đại diện Công ty Thương mại và dịch vụ Song Bình, tổng đại lý của FedEx tại Việt Nam phản ánh, đối với hàng xuất khẩu, khó khăn nằm ở DN trong các khu công nghiệp. Theo quy định, khi nhận hàng, xe phải vận chuyển theo hình thức riêng với lô hàng khai ở cửa khẩu khác rồi lại chuyển đến Chi cục Hải quan Nội Bài khiến DN phải điều động 2 đến 3 chuyến xe làm thủ tục ở 2-3 nơi khác nhau, đẩy chi phí tăng cao. Hàng CPN là ấn phẩm văn hóa, tài liệu kỹ thuật như CD, tài liệu… giới thiệu sản phẩm của DN, theo quy định, phải xin giấy phép của Bộ hoặc Sở Thông tin - Truyền thông, mất đến 5-6 ngày. Điều này đã làm giảm ý nghĩa đặc trưng của hoạt động CPN. Trong khi đó, những kiện hàng này thường được gửi để phục vụ hoạt động của DN trong vài ngày như hội nghị, hội thảo, triển lãm và khách hàng không thể chờ được lâu…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN, ông Nguyễn Văn Hồng, Cục phó Cục HQHN cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng một lần, HQHN sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với DN, trong đó có DN kinh doanh CPN, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Đây là một trong những việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng DN phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.