Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều chính sách cần sớm hoàn thiện

Linh Nhi| 27/12/2015 06:50

(HNM) - Năm năm qua, cả nước giải quyết việc làm cho 6 triệu thanh niên; tổ chức cho 40% thanh niên được học nghề; giải quyết cho hơn 3,2 triệu thanh niên là học sinh được vay vốn, với tổng số tiền 52 tỷ đồng, thí điểm thành công Dự án đưa 600 trí thức trẻ ưu tú về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo…


Nhiệm vụ quan trọng

Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 là nhiệm vụ quan trọng, qua đó đẩy mạnh phong trào thanh thiếu nhi, bồi dưỡng, phát huy thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội vững mạnh. Việc thực hiện chiến lược được triển khai song song với các nội dung yêu cầu của Nghị quyết 45/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy BCH TƯ Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, nhằm huy động sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong xây dựng cơ chế đồng bộ.

Đào tạo nghề cho thanh niên là việc làm rất cần thiết.


Bộ Nội vụ đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho 1.720 lượt cán bộ, công chức; Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho 24 nghìn lượt cán bộ, công chức các cơ quan, tạo sự thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên và Nghị quyết 45. TƯ Đoàn cùng các bộ, ngành, các cấp nỗ lực giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên; từng bước giải quyết chỗ ở cho thanh niên ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và trường học gắn với nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên…

Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cũng có nhiều giải pháp mới trong thực hiện công tác phát triển thanh niên. Tiêu biểu, với 80% lực lượng là thanh niên, Đoàn Thanh niên Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở 59 lớp tập huấn cho 100% cán bộ Đoàn từ chi đoàn cơ sở trở lên; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp nhiều nội dung về công tác thanh niên và xây dựng các đề án, chính sách, chương trình hành động, góp phần nâng cao các mặt hoạt động của thanh niên.

Tại Hà Nội, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Ngọc Việt cho biết, Thành đoàn đã xây dựng nhiều đề án, chương trình, hoạt động thúc đẩy công tác phát triển thanh niên. Tiêu biểu, từ năm 2012 đến nay, Thành đoàn đã tổ chức gần 80 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, 30 lớp đào tạo nghề dài hạn cho 14.650 thanh niên; từ năm 2014 đến nay, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 600 nghìn người; tổ chức tư vấn việc làm cho 3.836 người, giới thiệu việc làm cho 1.160 người, tư vấn nghề cho 2.981 người; tổ chức thành công Hội thi "Bàn tay vàng thanh niên làng nghề truyền thống" tại 7 huyện và tư vấn hướng nghiệp cho gần 100 nghìn lượt học sinh THPT trên địa bàn. 3 năm qua, các cấp bộ Đoàn thành phố đã trao 9.060 suất học bổng trị giá gần 8 tỷ đồng cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tích cực vươn lên trong học tập; phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, Ban Dân tộc thành phố tổ chức khám, phát thuốc miễn phí, giáo dục giới tính, tư vấn sức khỏe sinh sản cho gần 53 nghìn thanh niên đặc thù.

Nhận diện hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên và Nghị quyết 45 của Chính phủ còn những tồn tại, hạn chế, đó là nhiều địa phương xây dựng chỉ tiêu thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên còn chung chung, chưa xuất phát từ yêu cầu và điều kiện thực tế; giải pháp, lộ trình thực hiện chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi. Việc bố trí nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án về thanh niên và phát triển thanh niên còn hạn chế, chủ yếu được lồng ghép vào các nhiệm vụ công tác khác. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với giải quyết việc làm trong thanh niên nông thôn, thành lập mô hình trang trại trẻ, CLB khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, mô hình kinh tế giỏi, tổ hợp tác, HTX thanh niên để tạo động lực, động viên thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng còn chưa được thực hiện ở nhiều nơi. Hoạt động của các CLB còn rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", thiếu bền vững; địa điểm sinh hoạt văn hóa và sân chơi còn thiếu và yếu.

Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia Về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải thẳng thắn nêu, tổ chức Đoàn ở nhiều địa phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên; chưa chú trọng các biện pháp đẩy mạnh công tác thanh niên; chưa huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ các phong trào của thanh niên; một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến triển khai nhiều hoạt động còn mang tính chiếu lệ, hình thức…

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, thời gian tới sẽ tiến hành sửa đổi Luật Thanh niên, cần đặc biệt chú ý đến các nhóm thanh niên, như: Thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tài năng, thanh niên yếu thế, TNXP, thanh niên tình nguyện và thanh niên là du học sinh đang học tập, lao động ở nước ngoài hiện nay. Luật cũng cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các tổ chức của thanh niên và nhất là trách nhiệm của Ủy ban quốc gia Về thanh niên Việt Nam trong việc tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về thanh niên cần được chú trọng hơn qua việc khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ này; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên và có báo cáo đánh giá hằng năm; sớm ban hành bộ chỉ số chung toàn quốc đánh giá sự phát triển của thanh niên; ban hành cơ chế chính sách phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong thanh niên…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách cần sớm hoàn thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.