(HNM) - Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, cuộc đua kiếm một suất học trong số chỉ tiêu còn lại của các trường trở nên gay cấn với hơn 190.000 thí sinh (TS) có điểm thi trên mức sàn nhưng không đỗ nguyện vọng 1.
Không thiếu cơ hội thứ hai
Với những trường khó tuyển sinh, ngay từ đầu mùa thi đã chuẩn bị tinh thần, kế hoạch xét tuyển bởi số lượng TS thi và trúng tuyển vào trường không đáng kể. Trường ĐH Lạc Hồng có điểm chuẩn và điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ với 50% trong số tổng chỉ tiêu 2.400 để xét tuyển cho tất cả các ngành. Trường ĐH Đại Nam (1.600 chỉ tiêu), ĐH Hà Hoa Tiên (900 chỉ tiêu) thông báo nhận xét tuyển nguyện vọng 2 tất cả các hồ sơ phù hợp có tổng điểm 3 môn đạt từ mức điểm sàn. Các trường cũng tạo điều kiện thuận lợi hết mức có thể cho TS, như Trường ĐH Nguyễn Trãi cho phép TS ngay sau khi có kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến vào trường. Sau khi gửi thông tin đăng ký, TS hoàn tất thủ tục xét tuyển theo quy định chung. Trường xét tuyển 1.100 chỉ tiêu cho cả 2 hệ ĐH và CĐ. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có số TS dự thi đạt từ 13 điểm trở lên khá lớn, hơn 2.300. Tuy nhiên chỉ tiêu của trường tới 4.300 nên cũng sẽ xét tuyển nguyện vọng tiếp theo. Ngoài ra, hầu hết các trường ngoài công lập như ĐH Hải Phòng, ĐH Bắc Hà, ĐH Hòa Bình… đều xét tuyển với mức điểm sàn. Trường ĐHDL Thăng Long những năm trước có điểm chuẩn luôn cao hơn các trường dân lập khác, nhưng năm nay, chỉ có 400 TS dự thi có điểm bằng điểm sàn trở lên, như vậy trường sẽ phải xét tuyển khoảng 1.500 chỉ tiêu còn lại.
Các thí sinh có nhiều điều kiện lựa chọn các trường, các ngành học phù hợp với bản thân.Ảnh: Nhật Nam
Bên cạnh đó, nhiều trường có số điểm trúng tuyển khá cao song vẫn dành chỉ tiêu cho các nguyện vọng tiếp theo để nâng cao chất lượng đầu vào. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có điểm chuẩn nguyện vọng 1 thấp nhất là 15 điểm, song vẫn dành 150 chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho 8 ngành đào tạo với mức điểm rất cao là 17. Trường ĐH Hà Nội năm nay có điểm trúng tuyển cao hơn năm trước 1-2 điểm, nhưng vẫn dành 200 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Cũng có điểm thi cao hơn năm trước, nhưng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 vẫn có hơn 850 chỉ tiêu tuyển nguyện vọng bổ sung để bảo đảm chất lượng đầu vào.
Hút thí sinh bằng học bổng
Mặc dù số TS dôi dư trên điểm sàn gấp trên 2,5 lần so với chỉ tiêu cần tuyển, song với các trường khó tuyển, việc lấp đầy chỉ tiêu vẫn là bài toán khó. Để thu hút TS, nhiều trường đã đưa ra ưu đãi với mức học bổng hấp dẫn.
Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà có chương trình thưởng điểm đầu vào: đối với các chương trình đào tạo đại học thưởng 2 triệu đồng cho các TS có điểm thi từ 20 trở lên, 1 triệu đồng cho các TS từ 15-19,5 điểm (không tính điểm ưu tiên). Đối với các chương trình đào tạo cao đẳng: 1 triệu đồng cho các TS có điểm thi từ 12 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên). Đối với các chương trình đào tạo du học chuyển tiếp: 4 triệu đồng dành cho 20 sinh viên đầu tiên được xét tuyển.
Trường ĐH Hải Phòng đưa ra mức học bổng dành cho học sinh có học lực khá và giỏi ở THPT, có nguyện vọng 1 thi vào trường đạt điểm thi từ 21 hoặc 24 trở lên, sẽ được hưởng học bổng tương đương với 80% hoặc 100% học phí. Học bổng sẽ được duy trì suốt 4 năm nếu thành tích học tập vẫn đạt khá, giỏi…
Trường ĐH Nguyễn Trãi, ngoài 300 suất học bổng 20% trong một năm cho 300 TS đăng ký đầu tiên, tặng 3 suất học bổng toàn phần đối với các TS đạt từ 26 điểm trở lên; tặng 50 suất học bổng 70% cho TS đạt từ 21 điểm trở lên; tặng 50 suất học bổng 50% cho TS đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Tân Tạo năm nay tiếp tục tung ra 500 suất học bổng toàn phần cấp cho tất cả sinh viên năm thứ nhất. Sau năm thứ nhất, trường sẽ xem xét và điều chỉnh mức học bổng dựa trên thành tích học tập của sinh viên tính theo điểm trung bình học tập dựa trên hệ thống thang điểm 4 của Hoa Kỳ. Thí sinh đạt từ 3,5 đến 4,0 điểm sẽ được cấp tiếp học bổng 100%; từ 3,0 đến 3,5 điểm sẽ được cấp tiếp học bổng 75%... Học bổng của trường bao gồm học phí, chi phí ký túc xá, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Học phí của trường khoảng 60 triệu đồng/năm. Với những trường vốn đã ít TS thì sẽ rất khó có TS giỏi mặn mà theo học để nhận được các bọc bổng này. Tuy nhiên, điều này cũng ghi nhận cố gắng của các trường trong việc chủ động thu hút TS bên cạnh những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.