(HNMO) – Hôm nay (7-7), kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV dành trọn ngày để chất vấn lãnh đạo UBND thành phố về các vấn đề được dư luận và cử tri quan tâm.
Tham dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Đào Văn Bình.
Trước khi bước vào phiên chất vấn, HĐND thành phố đã nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XIV. Báo cáo tập trung vào các vấn đề nợ xây dựng cơ bản; nhóm vấn đề về môi trường, nước sạch; quản lý nhà chung cư, tái định cư tại các khu đô thị…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh trả lời chất vấn |
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tiếp tục tái chất vấn những nội dung này.
Giải tỏa lo lắng của các đại biểu về việc các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố chậm tiến độ, khó hoàn thành chỉ tiêu mà HĐND thành phố đề ra cho năm nay về cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt cho biết, do khó khăn về vốn nên đối với việc xây dựng 6 cụm công trình cấp nước cho các vùng bị ô nhiễm đến nay mới bố trí được 45 tỷ đồng dành cho hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư… Đối với kế hoạch hỗ trợ 40 nghìn bể lọc cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa bị ô nhiễm nghiêm trọng đến năm 2013 được 10 nghìn bể; còn lại 30 nghìn bể chưa bố trí được vì thiếu vốn (thiếu khoảng hơn 100 tỷ đồng).
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Thành phố đã ra quyết định huy động các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp khó khăn vì nguồn vốn đầu tư lớn nhưng việc thu hồi chậm bởi người dân ở những vùng này vẫn còn thói quen dùng các nguồn nước khác (như nước mưa) nên nhu cầu dùng nước sạch ít.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt trả lời chất vấn |
Liên quan đến các giải pháp để giải quyết nợ XDCB, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hiện cấp huyện, cấp xã còn nợ XDCB là 269,7 tỷ đồng (tập trung ở các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì). Thành phố đã đề ra các biện pháp quyết liệt để xử lý, phấn đấu cuối năm nay hoàn thành trả nợ, như: chỉ đạo tăng thu ngân sách (đấu giá quyền sử dụng đất); quyết liệt thu ngân sách; tăng cường công tác giải ngân; tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện báo cáo công tác xử lý…Đi vào các nội dung chất vấn trực tiếp của kỳ họp thứ 13, trong phiên chất vấn buổi sáng, đã có 29 câu hỏi chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề, gồm: Quy hoạch và quản lý đô thị; nông nghiệp và nông thôn; giáo dục được đặt ra cho các thành viên UGBND Thành phố.
Đáng chú ý, về nhóm quy hoạch và quản lý đô thị, nhiều cử tri phản ánh tình trạng trẻ em tại các khu dân cư không có nơi vui chơi, các cơ sở văn hóa tư nhân thường xa khu dân cư và thu giá dịch vụ cao, không phải nơi vui chơi thường xuyên của trẻ…
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi chất vấn |
Giám đốc Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, mặc dù Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi cho trẻ em cả về số lượng, chất lượng. Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán...
“Hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi (sân chơi, vườn hoa) cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu, thiếu hấp dẫn, đặc biệt là khu vực các quận nội đô, khu đô thị cũ. Tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em”, Giám đốc Sở nói.
Để khắc phục thực trạng này, giai đoạn trước mắt, Thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả sân chơi nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy (tổ đại biểu Gia Lâm) |
Làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, UBND Thành phố đã có các chủ trương ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa từ năm 2011.
Trong số các dự án được phê duyệt để công bố kêu gọi đầu tư, lĩnh vực văn hóa, công viên vườn hoa có 03 dự án: Dự án Khu cây xanh, thể dục thể thao trong khu đấu giá QSD đất phía Bắc đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; dự án Đầu tư xây dựng khu cây xanh kết hợp bãi đỗ xe tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên; dự án Xây dựng kinh doanh tổ hợp sân vận động bể bơi, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm.
Ngoài ra, đến nay, UBND Thành phố đã phê duyệt chấp thuận địa điểm, chấp thuận đề xuất dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cho 26 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, khu vui chơi thể thao với diện tích đất khoảng 21,47 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Các dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng nhìn chung chậm so với tiến độ được phê duyệt.
Để khắc phục, trong quý III, IV/2015, các Sở, ngành của Thành phố sẽ tập trung triển khai và hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn đồng bộ để khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này; phê duyệt danh mục, công bố kêu gọi đầu tư đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí; định kỳ giao ban Thành phố để kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Giải đáp về tình trạng lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các khu chung cư cũ, khu nhà tái định cư, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết, theo phân cấp, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc này nhưng đã không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt.
Trước mắt, Sở tham mưu cho UBND Thành phố tiếp tục có văn bản chỉ đạo đôn đốc chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, cụ thể: giao chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa và thu hồi phần diện tích lấn chiếm đất công, diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ. Rà soát sắp xếp lại các diện tích kể cả đất xen kẹt giành không gian sinh hoạt công cộng và sân chơi cho trẻ em cho người dân tại các khu nhà.
Đại biểu Đỗ Trung Hai (tổ đại biểu Mỹ Đức) chất vấn |
Đối với các khu nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố có tình trạng lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ, Sở tham mưu cho Thành phố tiếp tục giao cho chính quyền địa kiểm tra rà soát các diện tích tại tầng 1 và phần diện tích khuôn viên xung quanh khu nhà, khu nhà cũ, các khu chung cư tái định cư, tổ chức sắp xếp lại và thu hẹp diện tích kinh doanh dịch vụ, bán hàng, đỗ xe để tăng thêm diện tích sinh hoạt cộng đồng và sân chơi cho trẻ em; Tận dụng diện tích đất xen kẹt khu vực bố trí cho sinh hoạt cộng đồng, diện tích công cộng và sân chơi cho trẻ em; Tăng cường kiểm tra, kiên quyết giải tỏa và thu hồi những diện tích lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai mục đích để có thêm không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi công cộng; Kiểm tra rà soát toàn bộ các đơn vị thuê phần diện tích kinh doanh tầng 1, trường hợp sử dụng đúng mục đích hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được tiếp tục gia hạn cho thuê. Trường hợp sử dụng sai mục đích và lấn chiếm phần diện tích công cộng của khu nhà kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu giá theo quy định để có thêm nguồn kinh phí cho công tác bảo trì tòa nhà và khu vực xung quanh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Ngô Văn Quý trả lời chất vấn |
Trước câu hỏi của các đại biểu về thiết chế văn hóa vừa thiếu lại hoạt động thiếu hiệu quả, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cũng đồng tình, hiện đang có tình trạng thiết chế văn hóa vừa thiếu nhưng sử dụng hiệu quả chưa cao. Trước tiên, thiếu sót này thuộc về Sở VHTT&DL, bởi Sở chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều thiết chế văn hóa do xây dựng từ khi chưa có quy định về tiêu chuẩn nên đến nay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế; kinh phí duy trì thiếu; người quản lý chưa năng động... Tới đây, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố xây dựng cơ chế để phát huy được hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở mức cao nhất.
Kết luận phiên chất vấn buổi sáng, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá các câu trả lời của UBND thành phố nhìn chung đầy đủ và cụ thể. Thời gian qua, có những việc ùn ứ, chậm giải quyết mà nguyên nhân chính là do các sở, ngành chức năng chậm triển khai; hoặc khi có vướng mắc chưa kịp thời báo cáo UBND thành phố để tháo gỡ. Do đó, trong thời gian tới, UBND thành phố cần quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành rút kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ công việc được giao...
Chiều nay, HĐND thành phố tiếp tục thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về giáo dục đào tạo, nông nghiệp nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.