Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi về chất lượng đường ống nước sông Đà

Khánh Khoa| 03/04/2014 05:51

(HNM) - Lần thứ năm vỡ đường ống và là lần thứ tư liên tiếp kể từ tháng 3-2013 đã đặt dấu hỏi lớn cho chất lượng công trình tuyến ống truyền dẫn nước từ Nhà máy Nước sạch sông Đà về Hà Nội.

Chiều 1-4, tại Km 22+600 Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất) đã xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sạch từ Nhà máy Nước sạch sông Đà về Hà Nội. Ống vỡ, nước trào ra tạo nên hố sụt lớn. Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex đã huy động 150 người cùng máy xúc, cẩu, máy ép cọc cừ khẩn trương khắc phục sự cố.

Xử lý sự cố đường ống trong đêm 1-4. Ảnh: Văn Chiến


Trước đó liên tiếp các ngày 22-11 và 16-12-2013, tuyến ống này cũng xảy ra sự cố tương tự. Lần nào, lực lượng của Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex cũng có mặt “kịp thời” nhưng phải mất 2-3 ngày sau nước mới được cấp trở lại. Theo thống kê, kể từ khi đưa vào khai thác, tuyến ống truyền dẫn nước từ Nhà máy Nước sông Đà về Hà Nội đã 5 lần bị vỡ, riêng năm 2013 vỡ 3 lần. Nhưng quan trọng hơn, không biết tuyến ống sẽ vỡ tiếp vào lúc nào, cũng như không có cách nào kiểm tra, xác định xem đoạn nào có nguy cơ bị vỡ để sửa chữa. Nói cách khác, việc khắc phục luôn bị động và mang tính đối phó. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex thừa nhận, đường ống chôn sâu dưới đất nên rất khó kiểm tra, chỉ có thể cố gắng khắc phục nhanh nếu có sự cố tương tự. Ước tính kinh phí khắc phục sự cố vỡ đường ống không nhỏ, từ 1 đến 2 tỷ đồng mỗi lần tùy theo vị trí, độ nông sâu của điểm vỡ.

Năm lần sự cố vỡ đường ống, với cùng nguyên nhân lún sụt nền hoặc nền đất yếu… đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng công trình. Nhiều người trong nghề cho rằng, đường ống này sẽ còn tiếp tục vỡ và mật độ sẽ còn dày hơn, vì khi thiết kế không thấy đề cập đến xử lý nền trong những trường hợp khác nhau, chỉ đắp cát tạo mặt phẳng. Hơn nữa, ống sử dụng là vật liệu composite, được cho là không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc uốn cong. Loại ống này khi chôn sâu dưới đất nếu nền yếu sẽ dẫn đến lún hoặc chịu lực nén lớn dễ biến dạng, dẫn đến vỡ đường ống. Trong khi đó, đây là tuyến ống dài hơn 47km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau, thậm chí có những đoạn vốn là hồ, ao. Theo thống kê, riêng đoạn Đại lộ Thăng Long dài 29km, có 29 điểm đất yếu sâu từ 5 đến 30m, tổng cộng dài 5km. Khi đặt ống, những điểm này phải được xử lý hết sức cẩn trọng. Trước đó, tác động của phương tiện di chuyển trên đường cao tốc được cho là một trong những tác nhân gây nên lún, sụt làm vỡ ống nước đã bị các chuyên gia giao thông phản bác. Theo giới chuyên gia, khi sự cố xảy ra thường được xem xét ở 3 vấn đề: Thứ nhất là vị trí xây dựng, đã được chủ đầu tư đề cập là nền đất yếu. Thứ hai là loại vật liệu sử dụng. Thứ ba là quá trình thi công. Vấn đề thứ hai và thứ ba hiện chưa được nhắc tới, song bất kỳ ai cũng có thể thấy đây là dự án có số vốn đầu tư rất lớn, mới đưa vào sử dụng hơn 5 năm mà đã xảy ra tới năm sự cố, mỗi lần sửa chữa chi phí lên tới cả tỷ đồng.

Thiệt hại cho chủ đầu tư đã rõ nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu cũng không kém. Chị Cẩm Tú, nhân viên Công ty viễn thông Gmobile nói: “Em chỉ muốn biết, tại sao đường ống nước sông Đà mới đưa vào sử dụng được vài năm mà đã vỡ liên tục, khiến nhà em phải hoãn tắm, giặt. Sống giữa Thủ đô mà còn không đủ nước sạch để dùng. Mỗi lần như vậy, vợ chồng con cái lại “sơ tán” đến ông bà nội, ngoại và phải ra hàng ăn để tiết kiệm nước. Nước được ưu tiên tối đa cho con nhỏ.

Ống dẫn nước vỡ khiến nước tràn ra gây ngập khu vực cầu chui dân sinh.


Trước tình trạng mất nước do vỡ đường ống liên tiếp, nhiều người dân bức xúc đề nghị kiểm tra, xem xét nghiêm túc chất lượng của công trình, bởi không thể lần nào cũng lấy lý do nền đất yếu; không lẽ lúc thi công đã không khảo sát địa chất. Nếu nền đất yếu phải có biện pháp thi công phù hợp, nói nguyên nhân như vậy không đủ sức thuyết phục. Được biết, sự cố vỡ đường ống nước sông Đà - Hà Nội làm gián đoạn cấp nước cho khoảng 70.000 khách hàng, tương đương 300.000 người, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… Phạm vi cấp nước của Công ty Nước sạch Hà Nội cũng bị ảnh hưởng tại khu vực quận Đống Đa, do đơn vị này sử dụng khoảng 60.000m3/ngày đêm từ hệ thống nước sông Đà. Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, đơn vị này có thể đấu nối cấp tạm thời từ hệ thống nguồn của công ty cho khu vực sử dụng nước sông Đà bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, việc cấp tạm chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ, do nguồn nước của công ty cũng thiếu hụt.

Đề cập đến những vấn đề về chất lượng tuyến ống nước sông Đà - Hà Nội, chúng tôi đã liên hệ với ông Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại - Pháp chế, người phát ngôn của Tổng Công ty cổ phần Vinaconex. Ông Chí Sơn cho rằng, vì liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành nên ông sẽ trả lời bằng văn bản sau. Được biết, Tổng Công ty Vinaconex đang lập báo cáo khả thi dự án đầu tư tuyến ống truyền dẫn nước sạch sông Đà - Hà Nội thứ hai nhằm khắc phục thế “độc đạo” hiện nay. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư đang là vấn đề khó khăn.

Tối 2-4, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết, sự cố vỡ đường ống nước sạch đã được đơn vị khắc phục xong lúc 1h ngày 2-4. Công ty đã xúc xả đường ống và cấp nước trở lại… Như vậy, đến lúc này, nỗi lo mất nước dài ngày đã không xảy ra nhưng câu hỏi về chất lượng công trình vẫn còn bỏ ngỏ.

Công suất thiết kế giai đoạn 1 của dự án nước sạch sông Đà là 300.000m3/ngày đêm, trong đó 200.000m3 cấp cho nội thành Hà Nội, 100.000m3 cấp cho các đô thị dọc Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay, các đô thị dọc Đại lộ Thăng Long chưa hình thành nên nhà máy chỉ chạy 70% công suất. Trong khi về mặt kỹ thuật, lượng nước thiết kế dư thừa này không thể bơm hết về nội thành, mặc dù Hà Nội rất cần.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi về chất lượng đường ống nước sông Đà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.