Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời

Mai Hoa| 18/04/2015 07:16

(HNM) - Sáng 17-4, diễn ra hội nghị (trực tuyến) triển khai Kế hoạch hành động của ngành văn hóa - thể thao & du lịch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Múa Rồng ngày xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh: Viết Thành



Những vấn đề không dễ tìm lời giải

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, để thực hiện, có không ít việc phải làm. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: "Trong Nghị quyết số 102/NQ-CP, có 3 điểm đặc biệt liên quan ngành văn hóa: Thứ nhất, đặt văn hóa ngang hàng kinh tế, coi đây là một trong các yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Thứ hai, cần xây dựng, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tăng GDP của đất nước. Thứ ba, phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Kế hoạch hành động của ngành VH,TT&DL sẽ phải triển khai trên cơ sở những mục tiêu ấy".

Trong số 37 đề án được nêu ra thảo luận tại hội nghị, một số "vấp" phải ý kiến phản biện liên quan việc phân nhiệm, những khúc mắc trong khâu thực hiện… Lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính thắc mắc vì được giao một số đề án không đúng chức năng. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh nêu ý kiến: "Thay vì để cả 37 đề án, nên chăng Bộ VH,TT&DL chỉ chọn một số đề án để tập trung thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả và tính thiết thực". Ông Hồ Xuân Tịnh nêu ví dụ: "Trước đây, Bộ đã xây dựng đề án phát triển văn hóa xã, phường, nhưng việc này ở miền Trung chưa thực hiện được bao nhiêu. Đề án phát triển văn hóa dân tộc thiểu số cũng không có nhiều tiến triển, đang rất cần hỗ trợ về nguồn lực. Đề án tu bổ các di tích cấp quốc gia, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt, trong các năm tới sẽ có kinh phí thế nào, Bộ có tiếp tục hỗ trợ không?". Vừa đặt câu hỏi, ông Hồ Xuân Tịnh vừa bình luận: Không thể "thả" hết để địa phương "tự bơi" trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp còn nhu cầu bảo tồn lại rất lớn.

Về những vấn đề này, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Thế Hùng nói: "Đúng là ngân sách địa phương dành cho công tác bảo tồn còn quá thấp, rất cần sự hỗ trợ của TƯ. Nhưng bản thân các địa phương cũng cần chủ động vào cuộc, đề xuất UBND tỉnh đưa nội dung bảo tồn di sản vào trong các chương trình, kế hoạch, đề nghị Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ việc bảo tồn thông qua các chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020".

Một nội dung thu hút sự chú ý của đại biểu, đó là bao giờ mới có cơ chế đặc thù cho diễn viên và các đoàn nghệ thuật truyền thống vốn đang gặp rất nhiều khó khăn? Chia sẻ về điều này, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết: "Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng tiêu chí xếp lương, ngạch bậc, trong đó có tiêu chí dành cho nghệ sĩ tài năng, dự kiến quý IV năm 2015 có thể áp dụng. Chế độ phụ cấp biểu diễn, bồi dưỡng tập luyện cho các nghệ sĩ sẽ có thay đổi trong thời gian tới, chắc chắn gỡ khó phần nào cho các nghệ sĩ". Liên quan một số bộ môn nghệ thuật, ví dụ diễn viên múa thường 40-45 tuổi là "phải hưu", ông Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh: "Riêng việc các nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, việc xin nghỉ hưu theo cơ chế đặc thù là không thực hiện được vì vướng Luật Lao động".

Cần hệ thống giải pháp đồng bộ

Tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh, một số đại biểu nêu ý kiến về việc đa dạng hóa, phát huy vai trò thiết chế văn hóa còn thiếu sự đồng bộ. Trên thực tế, do sự liên thông giữa Bộ VH,TT&DL, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chưa đồng bộ nên ở TP Hồ Chí Minh, tuy có nhiều thiết chế văn hóa lớn, khang trang nhưng bộ máy điều hành đa số kiêm nhiệm, hoạt động thiếu hiệu quả, gây lãng phí. Thêm nữa, vẫn còn thiếu cơ chế ưu đãi đối với các nghệ sĩ dân tộc thiểu số để họ yên tâm truyền nghề cho các thế hệ kế cận.

Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng nêu một bài toán khó nữa, đó là những khó khăn trong công tác bảo tồn các di tích quốc gia. "Rất nhiều di tích đặc biệt quan trọng của Huế cần được bảo tồn, nhưng hồ sơ bị đọng rất nhiều, vì phải có ý kiến phê duyệt của Bộ Xây dựng. Rất cần có thông tư phối hợp đẩy nhanh tiến độ giữa các phía liên quan" - Ông Phan Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa đã được Bộ VH,TT&DL hoàn thành, trình Chính phủ phê duyệt. Tạm thời, Cục Bản quyền đang được giao làm đầu mối "xây những viên gạch đầu tiên của công nghiệp văn hóa" - như cách nói của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn. Bàn về việc này, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hải Phòng Đoàn Duy Linh chia sẻ kinh nghiệm: "Phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ mới mẻ, khẳng định văn hóa là một ngành tham gia trực tiếp vào nền kinh tế, góp phần tăng GDP. Chính vì vậy, Hải Phòng đã ghi rõ nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong các chỉ thị của Thành ủy, qua đó, thành phố sẽ xây dựng cơ chế cụ thể để phát huy tiềm năng công nghiệp văn hóa bằng cơ chế thuế, dành quỹ đất cho các tổ hợp văn hóa trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung".

Còn rất nhiều vấn đề được nêu ra tại hội nghị, như sự "va đập" giữa tính đặc thù trong tuyển sinh các trường nghệ thuật của ngành văn hóa và những tiêu chí chung của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng nêu ra hàng loạt câu hỏi, yêu cầu các bộ phận chức năng tìm lời giải như: Phải nghiên cứu trong điều kiện hiện nay, cần giữ gì, cần thay đổi gì trong chính sách đãi ngộ văn hóa. Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Di sản - Văn hóa cần đưa nội dung giáo dục về di sản vật thể, phi vật thể vào trường học như thế nào để có thể nhân rộng mô hình, tổng kết và đánh giá…

Sau hội nghị này, tất cả ý kiến sẽ được tập hợp để Bộ VH,TT&DL điều chỉnh kế hoạch hành động, bảo đảm lộ trình thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, những vấn đề được thảo luận cho thấy rõ ràng, ngành văn hóa đang đối diện những thách thức không nhỏ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 102 mà muốn tháo gỡ khó khăn, điều quan trọng là phải xây dựng được một hệ thống giải pháp đồng bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.