Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi cần ngay đáp án

Sơn Trà| 15/06/2011 06:09

(HNM) - Theo tiêu chuẩn và dự tính của Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2011-2020, Hà Nội có khoảng 40 trường ĐH, CĐ phải rời khỏi nội thành, tương ứng với giảm gần 35 vạn sinh viên trong cơ cấu dân số nội đô.

Ông Trần Mạnh Tâm (Công ty VNCC, Bộ Xây dựng): Nên giữ nguyên mục đích sử dụng đất cho giáo dục - đào tạo
Các trường đại học trong nội thành Hà Nội hiện chiếm một quỹ đất khá lớn của thành phố. Nhiều trường đại học nằm ở vị trí "đất vàng", có giá trị khai thác kinh tế rất lớn như Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Văn hóa… Nếu những chỗ đất này được trả về thành phố, sẽ tạo nên một xáo trộn không nhỏ về quy hoạch đô thị. Để giảm bớt xáo trộn, nên chăng vẫn giữ nguyên mục đích sử dụng đất (SDĐ). Cụ thể, đất đó đang phục vụ cho giáo dục - đào tạo thì tiếp tục sử dụng cho giáo dục - đào tạo. Chúng ta chỉ chuyển đổi công năng của nó một chút như quy hoạch lại phần nào để phục vụ đào tạo nâng cao, nghiên cứu chuyên sâu, phần nào phục vụ giáo dục phổ thông, mầm non. Đây là những lĩnh vực đang rất thiếu cả quỹ đất lẫn cơ sở hạ tầng (CSHT). Việc tận dụng lại những CSHT sẵn có của các trường đại học đã di dời cũng sẽ đỡ lãng phí rất nhiều tài sản của xã hội. Chính phủ và Bộ Xây dựng cần quy định chỉ những địa bàn mà thành phố vẫn còn quỹ đất trống để khai thác làm trường học phổ thông, mầm non thì mới được quy hoạch và lên phương án đấu thầu để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh, dịch vụ.

Bà Nguyễn Thùy Dương (giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): Tránh "chảy máu chất xám" trong đội ngũ giảng viên đại học
Thông tin các trường đại học chuyển địa điểm ra ngoại thành cho đến nay mới chỉ dừng ở chủ trương, chưa có kế hoạch cụ thể trường nào đi, đi như thế nào khiến giảng viên chúng tôi khá hoang mang. Từ nhiều năm nay, đời sống của giảng viên đại học đã gắn liền với trung tâm thành phố. Các thành viên khác trong gia đình họ cũng làm việc, học tập tại các cơ quan, trường học trong trung tâm thành phố. Tôi thấy các cơ quan liên bộ đã bàn đến việc xây dựng đô thị đại học gồm cả quỹ nhà ở, quỹ đất cho cán bộ, giảng viên, chế độ ưu đãi cho cán bộ, giảng viên mua đất, mua nhà. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu giảng viên chuyển theo trường, có nghĩa là phải xa gia đình hoặc phải chuyển cả gia đình theo. Liệu ở nơi đến có đủ điều kiện và cơ sở vật chất, kinh tế - văn hóa - giáo dục (mầm non, phổ thông) để họ đưa cả gia đình, con cái theo không? Mặc dù đây là chính sách nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo cấp đại học lâu dài, song nó vẫn ảnh hưởng trước mắt đến những người đang trực tiếp công tác, giảng dạy. Đã có một thực tế là chế độ đãi ngộ với cán bộ, giảng viên đại học còn chưa cao nên nhiều sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp đã không muốn ở lại làm giảng viên đại học mà tìm kiếm các công việc khác có điều kiện nghiên cứu tốt hơn, cơ hội kiếm tiền cao hơn. Mong rằng chủ trương di dời trường đại học lần này chú trọng tới chính sách dành cho giảng viên, tránh một lần làm "chảy máu chất xám".

Sinh viên Hoàng Vũ Trung (Trường Đại học Xây dựng): Cải tạo cơ sở hạ tầng thôi chưa đủ để học và nghiên cứu tốt
Nhà nước xây dựng những trường đại học có quy mô đủ điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu, thực hành và phát huy hết khả năng của mình là điều tuyệt vời, mọi sinh viên đều mơ ước. Thông tin các trường đại học sẽ được xây dựng ở nơi mới theo cụm trường có cùng lĩnh vực, ngành nghề khiến sinh viên mừng vì có điều kiện theo học ở nhiều trường một lúc. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên tại các trường đại học công lập đều xuất thân từ các gia đình, miền quê nghèo. Nếu có điều kiện học tốt nhưng gia đình không đủ chi phí chi trả, sinh viên không có điều kiện đi làm thêm thì chất lượng học cũng không thể cao được. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo và học, nghiên cứu tại đại học, không chỉ cần cải thiện CSHT mà còn cần cải thiện cả học bổng cho sinh viên. Với học bổng toàn phần như hiện nay, một sinh viên giỏi chỉ đủ ăn cơm "bụi" trong 15 ngày, chưa kể tiền mua sách vở, học cụ.

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn): Quy hoạch chưa rõ ràng gây xáo trộn về đất đai
 Từ ngày có thông tin sẽ có 25 bệnh viện và hàng chục trường đại học di dời ra ngoại thành, trong đó có một số bệnh viện, trường học sẽ đóng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đất ở đây đã tăng giá đột biến. Có những mảnh đất trước đây vẫn được cho là "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nay lên tới 20-30 triệu đồng/m2. Nhiều nơi đất ruộng, đất vườn cũng được bán để người mua xây dựng nhà trọ, quán cơm. Tôi được biết ở Phố Hiến (Hưng Yên), Chương Mỹ cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Vậy mà đọc báo chí tôi lại thấy nói chưa có quy định cụ thể cơ quan nào sẽ về đâu, quy mô như thế nào. Nếu Nhà nước không sớm xây dựng xong kế hoạch và công khai dự án, tình hình đất cát còn biến động nhiều, gây ảnh hưởng tới việc quản lý đất đai, kinh tế, xã hội ở các địa phương, nơi có các trường chuyển đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi cần ngay đáp án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.