Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Trung Dũng| 29/12/2015 07:10

(HNM) - Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức, sở, ban, ngành, Hà Nội được Bộ Tư pháp đánh giá là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho thanh thiếu niên (TTN), cần nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Chương trình phổ biến pháp luật tại phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân).


100% TTN trong các trường học và cán bộ đoàn được phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, học tập, phù hợp với từng lứa tuổi như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Thanh niên, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em… Bên cạnh đó, 80% TTN vi phạm pháp luật được tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, hạn chế tái phạm và tạo điều kiện hòa nhập với cộng đồng… Đó là kết quả thu được qua 5 năm Hà Nội thực hiện đề án tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho TTN giai đoạn 2011- 2015.

Việc tuyên truyền PBGDPL đã giúp giảm 10% số người vi phạm pháp luật là TTN và số vụ vi phạm pháp luật có TTN tham gia. Nếu như năm 2010, Tòa án nhân dân thành phố xét xử 262 vụ với 353 bị cáo là TTN thì đến năm 2014 giảm xuống còn 221 vụ với 310 TTN. Trong 8 tháng đầu năm 2015, chỉ còn 122 vụ với 155 TTN.

Bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - cho biết, công tác PBGDPL cho TTN được TP Hà Nội xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm tập trung nhiều biện pháp, nhiều nội dung tuyên truyền hiệu quả, chú trọng triển khai các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng đặc thù. Dẫn đầu công tác PBGDPL của Hà Nội là các đơn vị thuộc Sở Công an, Sở Giáo dục - Đào tạo và Thành đoàn.

Công an TP Hà Nội đã triển khai tuyên truyền trực tiếp tại 80 trường học, cao đẳng trên địa bàn cho 72.000 lượt sinh viên với các nội dung PBGDPL về vấn đề an ninh trật tự, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Thủ đô, rèn luyện đạo đức, văn hóa trong sinh viên, quy định về cư trú, phòng ngừa bạo lực học đường, tác hại của ma túy…

Công tác PBGDPL của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội được lồng ghép ngay trong hoạt động giảng dạy các môn chính khóa của các bậc học như môn đạo đức, giáo dục công dân, chính trị… cùng các buổi tăng cường ngoại khóa, thực hành, tọa đàm áp dụng luật pháp vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài công tác PBGDPL cho TNN trong trường học, Sở Giáo dục - Đào tạo còn tổ chức cho 116.956 lượt cha mẹ học
sinh ký cam kết có trách nhiệm quản lý, không giao xe mô tô cho con em tham gia giao thông.

Thành đoàn - Tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho hơn 2,7 triệu thanh niên, chiếm gần 40% dân số Thủ đô, đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tuyên truyền PBGDPL liên quan đến TTN như phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, hỏi đáp về Luật Hôn nhân và Gia đình... Đoàn thanh niên các cấp đã chủ động và phối hợp với các ngành chức năng liên quan triển khai PBGDPL cho 4.477.000 lượt đoàn viên với các nội dung phù hợp từng vùng miền.

Trong khi 18 tổ chức Đoàn thanh niên tại huyện, thị xã đã duy trì và phát huy hiệu quả mô hình "Đội lưu thông diễn từ làng đến làng" tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ qua các tiểu phẩm an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình, việc cưới việc tang văn minh… thì Đoàn thanh niên các quận nội thành lại tập trung tuyên truyền về các lĩnh vực đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn trật tự văn minh đô thị, mùa hè tình nguyện, tiếp sức mùa thi… Việc tổ chức các phong trào tình nguyện với số lượng lớn đoàn viên thanh niên tham gia trực tiếp là cơ hội quý giá để truyền tải phần kiến thức PBGDPL vốn khô khan thành sôi nổi và thú vị.

Được chú ý nhiều nhất trong hội nghị tổng kết 5 năm tuyên truyền PBGDPL cho TTN là một đơn vị cấp cơ sở, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), với kế hoạch PBGDPL cho TTN lao động tự do. Đây là nhóm đối tượng ít tham gia tổ chức đoàn thể nên việc gặp gỡ tiếp cận còn khó chứ chưa nói đến thuyết phục động viên họ nghe nội dung tuyên truyền.

Với quyết tâm nâng cao hiểu biết pháp luật cho các đối tượng này thì an ninh trật tự địa bàn mới được bảo đảm, UBND phường Phương Liệt đã hình thành đội ngũ đồng đẳng viên là cán bộ tư pháp và 15 đoàn viên ưu tú, có năng lực truyền đạt kiến thức pháp luật, tổ chức được 24 buổi PBGDPL thông qua mô hình sân khấu hóa, tiểu phẩm tình huống và hình ảnh minh họa.

Đội ngũ đồng đẳng viên còn nhiệt tình đến các nhà trọ vào buổi tối để tuyên truyền các nội dung phù hợp với điều kiện, trình độ, lứa tuổi TTN như đăng ký tạm trú, tạm vắng, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quyền trẻ em và xử phạt vi phạm hành chính. Thực tiễn tại phường Phương Liệt càng khẳng định rõ nhận định, ở đâu tổ chức chính quyền, hệ thống chính trị quan tâm sát sao, vận động, tạo điều kiện cùng các đoàn thể vào cuộc thì công tác PBGDPL sẽ được phát huy tốt, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.