Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều bất ngờ thú vị

Hà Phạm| 21/01/2015 06:47

(HNM) - Lễ hội đường hoa, đường sách đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thành phố mỗi độ Tết đến, xuân về.

Đường hoa, đường sách đã trở thành sự kiện không thể thiếu của thành phố mỗi độ Tết đến, xuân về.


Nếu như những năm trước đường Nguyễn Huệ (quận 1) thường là nơi tổ chức đường hoa, đường sách thì năm nay chuyển về đường Hàm Nghi bởi đường Nguyễn Huệ đang được nâng cấp và mở rộng. Đáng nói là năm nay, cả hai lễ hội trên đều có nhiều điểm nhấn thú vị. Trước hết, Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) sẽ lắp đặt dịch vụ wifi công cộng miễn phí tại đường hoa Hàm Nghi. Bên cạnh đó, chợ hoa ở Công viên 23-9, hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn (quận 1) và đường hoa Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng lắp đặt wifi miễn phí, nhằm phục vụ du khách.

Không dừng lại ở đó, Ban tổ chức sẽ trình bày xuyên suốt hình ảnh của cuộc sống đô thị với thùng thư, khung cửa hoa; đặc biệt là hệ thống metro hoa (phương tiện vận chuyển hiện đại đang được xây dựng tại TP Hồ Chí Minh) và các bánh răng công nghiệp thể hiện đất nước tươi đẹp qua 40 mùa xuân với thành tựu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thú vị nhất là lần đầu tiên tại đường hoa, mã hiệu hoa được sử dụng vừa để trang trí vừa thể hiện tính công nghệ của thời đại. 

Đồ họa đường hoa Tết Ất Mùi 2015 với hình ảnh gia đình dê biểu trưng cho năm mới thịnh vượng.
Tết Ất Mùi 2015, đường hoa và đường sách với chủ đề "Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 22-2-2015 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết). Đường hoa có 3 phân đoạn chính: Hào khí Việt Nam, Bản sắc Việt và Vinh quang Việt Nam. Đường hoa, Lễ hội đường sách gồm 7 chuyên đề: Dấu ấn lịch sử - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh; Tự hào con người thành phố mang tên Bác; Biển đảo thiêng liêng; Thành phố hội nhập; Khu vực sách điện tử; Khu vực sách dành riêng cho thiếu nhi; Sách cho người khiếm thị và giới thiệu sách hay, sách quý.

Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004. Đến Tết Tân Mão 2011 đã có thêm đường sách ở đây. Dù Tết Ất Mùi này thay đổi địa điểm nhưng cái tên "đường hoa, đường sách" đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người dân thành phố. Mỗi khi xuân về tết đến, đường hoa đường sách chính là điểm đầu tiên trong lịch trình du xuân của người dân, kể cả người nhập cư đón Tết trên địa bàn thành phố. Trong tâm trạng khấp khởi chờ đến ngày đường hoa, đường sách chính thức khai trương, anh Nguyễn Việt Anh (ngụ đường Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức) chia sẻ, cứ mỗi khi Tết đến dù nhà xa nhưng đúng ngày mùng 1 Tết, cả gia đình đều đến đường hoa, đường sách đến tối. Là người gốc Hà Nội và đã sinh sống tại TP Hồ Chí Minh hơn 40 năm nay, cụ Ngô Thế Thái (85 tuổi, ngụ tại đường Hàm Nghi, quận 1) cho biết: Mỗi năm lễ hội đường hoa, đường sách có mỗi chủ đề mới, hình thức và cách thức tổ chức khác nhau nhưng chất văn hóa không thể lẫn. Đó là màu vàng chủ đạo xuyên suốt không gian văn hóa này.

Chưa hết, theo phân tích của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, ngoài các hiện vật đậm chất văn hóa Nam bộ đường hoa, đường sách còn có nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Đó là hình ảnh làng quê Việt Nam yên bình với cánh đồng lúa trĩu hạt, mái nhà tranh hiền hòa với tấm phản tre và đôi liễn đỏ… Những hình ảnh thân thuộc hiện diện trên khắp miền quê của đất nước hình chữ S. Chả thế mà, không chỉ người dân TP Hồ Chí Minh mà mọi người dân trên khắp cả nước đều tìm thấy được sự thân thuộc và đồng điệu trong không gian văn hóa đó, còn du khách thấy được đặc trưng của văn hóa Việt trong đó. Thế nên thật dễ hiểu khi người TP Hồ Chí Minh dù tết đến vẫn thường kéo nhau đi chơi ra ngoại thành thì ít nhất một ngày trước đó cũng phải dành cho đường hoa, đường sách để cảm nhận được cái tết đã về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất ngờ thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.