(HNM) - Bộ Công an vừa đề xuất Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho bảo vệ dân phố tại 17 địa phương từ ngày 1-1-2021, trong đó có thành phố Hà Nội. Bên cạnh những yếu tố tích cực, việc thí điểm giao một số nhiệm vụ nêu trên cho bảo vệ dân phố sẽ dẫn đến không ít bất cập cần tháo gỡ.
Nhiều điểm tích cực
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), dự thảo Nghị quyết thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho bảo vệ dân phố quy định, lực lượng bảo vệ dân phố tại những nơi thí điểm được giao thực hiện các nhiệm vụ như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu theo chỉ đạo của UBND phường, thị trấn và công an phường, thị trấn...
Về vấn đề này, Thượng tá Bùi Trọng Quát, Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân nhận định, việc giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho bảo vệ dân phố sẽ thuận lợi bởi đây là những người am hiểu địa bàn, trực tiếp phối hợp thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở với công an phường, thị trấn… Nếu thực hiện việc tuyên truyền, nhắc nhở về phòng cháy, chữa cháy cho người dân sẽ phát huy hiệu quả.
Thực tế cho thấy, lực lượng bảo vệ dân phố đã và đang sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Ông Hoàng Minh Thỏa, Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố (Cụm dân cư số 6, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) cho biết, những năm qua, tổ thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và trang bị phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ chữa cháy khi có yêu cầu. Vì vậy, bảo vệ dân phố hoàn toàn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở nếu được giao.
Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 4.000 bảo vệ dân phố đang hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự tại các phường, thị trấn. Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, với số lượng bảo vệ dân phố trải khắp các phường, thị trấn, việc giao nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng này sẽ thực hiện hiệu quả công tác ngăn ngừa và xử lý ban đầu các sự cố cháy, nổ.
Thí điểm để đánh giá hiệu quả
Bên cạnh những điểm tích cực kể trên, theo phản ánh từ cơ sở, việc giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho bảo vệ dân phố cũng tồn tại nhiều bất cập.
Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Lăng cho rằng, độ tuổi của lực lượng bảo vệ dân phố không đồng đều, chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, trong khi họ vừa phải bảo vệ an ninh, trật tự, vừa phòng cháy, chữa cháy là bất cập lớn. Đồng thời, đến nay trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy của lực lượng này cũng chỉ rất đơn giản như mặt nạ phòng khói, khí độc; bình chữa cháy xách tay...
Nhận định về vấn đề này, Đại tá Trần Ngọc Dương cũng cho biết, bảo vệ dân phố hiện nay chỉ hoạt động ở các địa bàn phường, thị trấn, còn tại các xã của Hà Nội thì không có lực lượng này, trong khi đó hằng năm có hơn 40% các vụ cháy xảy ra ở khu vực nông thôn với nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, khi thực hiện thí điểm có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy giữa phường, thị trấn và xã, bởi lực lượng hiện đang có nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy là dân phòng mới chỉ thành lập được ở 42% thôn, tổ dân phố. “Hiện Công an thành phố đang đánh giá chất lượng các lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, tham mưu với Bộ Công an trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.
Trước mắt, để triển khai thực hiện thí điểm, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, quận sẽ mở các đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy chuyên sâu cho lực lượng bảo vệ dân phố, đồng thời có phương án trang bị thêm các thiết bị bảo hộ, phương tiện chữa cháy phù hợp với lực lượng này. “Nhiệm vụ tiên quyết, quan trọng của lực lượng bảo vệ dân phố vẫn là tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu các sự cố cháy nổ có thể xảy ra”, ông Nguyễn Lê Hoàng nhấn mạnh.
Về công tác thực hiện thí điểm tại các tỉnh, thành phố, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, hiện nay khi xảy ra sự cố cháy nổ, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố vẫn tham gia chữa cháy ban đầu nhằm giảm thiểu thiệt hại trước khi có lực lượng chuyên nghiệp đến. “Bộ Công an mới đề xuất thí điểm nên chưa có thay đổi về cơ chế chính sách đối với lực lượng bảo vệ dân phố. Quá trình thực hiện thí điểm, Bộ Công an sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả để có cơ sở triển khai trên toàn quốc”, Đại tá Nguyễn Minh Khương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.